Cải thiện dinh dưỡng học đường để nâng cao tầm vóc người Việt
Từ bữa trưa học đường của Nhật Bản…
Từ chỗ bị gọi là “Nhật lùn” vào những năm 1940, chiều cao trung bình của người Nhật hiện đứng hàng đầu thế giới. Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023, chiều cao trung bình của nam giới nước này là 1m72, nữ là 1m58. Vào 50 năm trước, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49.
“Trong quá khứ, thiếu hụt dinh dưỡng là vấn đề nghiêm trọng của chúng tôi, đặc biệt sau Thế chiến II”, GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, chia sẻ tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt (lần 2) - Dinh dưỡng học đường do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) phối hợp Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội sáng 12/10 với sự đồng hành của Công ty cổ phần tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh đất nước khó khăn lúc đó, Nhật Bản đã đặt ưu tiên và chú trọng bữa trưa học đường nhằm duy trì và cải thiện sức khỏe của trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. “Chúng tôi triển khai chương trình bữa trưa học đường từ năm 1945, lúc đó chỉ có sữa, và những bức ảnh chụp một nhóm học sinh ở các thời điểm 4 tháng và 2 năm sau đó cho thấy các em đã thay đổi rất nhiều. Đến năm 1951, chúng tôi mới triển khai bữa trưa hoàn chỉnh, gồm protein (thịt), bánh mì, rau quả. Cho tới hiện tại thì luôn có sữa tươi trong khẩu phần bữa trưa hàng ngày”, GS. Nakamura Teiji cho biết.
Đặc biệt, bữa trưa học đường được luật hóa rất sớm, từ năm 1954. Luật Bữa trưa học đường của Nhật Bản vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường, vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Tới năm 2005, Nhật Bản ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng”. Theo GS. Nakamura Teiji hiện 99% trường tiểu học, 91,5% trường THCS ở Nhật Bản áp dụng mô hình bữa trưa học đường.
Nhật Bản là một ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng học đường như một trong các công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ với hành lang pháp lý từ sớm, từ xa. Dinh dưỡng học đường không chỉ được nhìn nhận là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn được xác định là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.
…tới sứ mệnh nâng cao tầm vóc Việt
Tại hội thảo, các chuyên gia đồng thuận rằng, 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi và đây là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Vì vậy, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, hết sức cấp thiết và cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.
Tại Việt Nam, trẻ em đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi), thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, do chưa có hành lang pháp lý nên việc tổ chức, quản lý, và giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các chương trình về dinh dưỡng học đường (như Sữa học đường, Bữa ăn học đường) chưa được thực hiện lâu dài, bền vững và đồng bộ trên cả nước. Ông cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường.
GS.TS.BS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng, luật hóa vấn đề dinh dưỡng học đường là vấn đề cấp thiết hiện nay để triển khai hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng. Theo bà, Luật về dinh dưỡng học đường sẽ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này. Luật cũng là căn cứ để những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.
“Bản thân tôi chỉ cao 1m50 do thời xưa nhà nghèo và cả xã hội đều thiếu thốn thực phẩm. Sữa, nếu có, cũng chỉ dành cho trẻ em và người già. Thế nhưng, các con tôi vẫn rất cao, con trai tôi cao 1m83. Chiến lược chăm sóc của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chiều cao, tầm vóc của con cái”, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược TH chia sẻ tại hội thảo.
“Nhật Bản từ năm 1954 đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường và đến giờ, sau 70 năm, thanh niên nước này không còn thấp còi nữa. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 15 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có người dân thấp nhất. Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường đủ rộng và bao trùm để trẻ em được chăm sóc đầy đủ”, bà Thái Hương nói. Đồng thời, bà nhấn mạnh, các nhà kinh doanh thực phẩm, trong đó có TH, phải thực hiện sứ mệnh của mình, đó là cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường.
Loan Hồng