Biến thể Delta tiếp tục hoành hành, hơn 4,5 triệu người mắc Covid-19 trong tuần qua
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã mở rộng phạm vi địa lý từ 148 lên 163 quốc gia trong tuần qua.
TASS dẫn lời WHO cho biết, bên cạnh biến thể Delta, Tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại 3 biến thể khác có tốc độ lây lan nhanh là Alpha, Beta và Gamma đang tiếp tục mở rộng khu vực ảnh hưởng.
“Khi nỗ lực xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được tăng cường ở cấp quốc gia, bao gồm cả việc mở rộng giải trình tự bộ gen, số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo về sự lây lan của các biến thể vẫn tiếp tục tăng”, WHO thông báo.
WHO nhấn mạnh sự xuất hiện của các chủng virus này “nói lên tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe cộng đồng và các biện pháp xã hội, cũng như sự cần thiết phải mở rộng phạm vi tiêm chủng chống lại virus SARS-CoV-2”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều khu vực trên thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Theo WHO, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2020 ở Anh, chủng Alpha hiện có mặt ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể Beta đã được xác định ở Nam Phi vào tháng 8 năm ngoái đang được ghi nhận ở 141 quốc gia.
Chủng Gamma, được phát hiện lần đầu ở Brazil, hiện đã được xác định ở 86 quốc gia. Trong khi, biến thể Delta, được các chuyên gia biết đến từ tháng 10/2020 sau khi được phát hiện ở Ấn Độ, đã mở rộng phạm vi lây nhiễm trong một tuần từ 148 lên 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hơn 4,5 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới trong tuần qua
WHO báo cáo, hơn 4,5 triệu người đã mắc Covid-19 trên thế giới trong tuần qua và hơn 68 nghìn người đã tử vong. Theo WHO, số ca mắc mới trong 7 ngày cao hơn 80 nghìn so với tuần trước và tỷ lệ tử vong là hơn 1,8 nghìn người.
“Hơn 4,5 triệu trường hợp mắc mới đã được báo cáo trong tuần (16-22/8). Số trường hợp mắc mới tăng lần lượt là 20% và 8% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải, tỷ lệ mắc mới giảm lần lượt là 16% và 10%. Tỷ lệ tử vong gia tăng được ghi nhận ở Châu Âu (11%) và Châu Mỹ (10%), trong khi tỷ lệ này giảm ở Châu Phi (11%) và Đông Nam Á (10%)”, WHO thông báo.
Cũng theo WHO, từ ngày 16-22/8 trên thế giới đã phát hiện 4.525.863 ca mắc mới, nhiều hơn 80 nghìn ca so với chỉ số của 7 ngày trước đó (4.444.632 ca). Trong tuần qua, có 68.339 trường hợp tử vong đã được ghi nhận, nhiều hơn 1,8 nghìn ca so với mức của tuần trước (66.506 ca). Tính đến sáng ngày 25/8, đã có 213.992.378 ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Kể từ đầu đại dịch, 4.465.242 người đã chết. WHO ước tính tỷ lệ mắc mới trong tuần là “ổn định sau gần hai tháng tăng trưởng”.
Ở châu Âu, hơn 1,16 triệu người mắc trong 7 ngày và hơn 11 nghìn người tử vong, ở châu Mỹ, hơn 1,6 triệu trường hợp mắc mới và hơn 21 nghìn trường hợp tử vong. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, các bác sĩ xác định hơn 614 nghìn người mắc mới, hơn 17 nghìn người tử vong. Số ca mắc mới lớn nhất trong 1 tuần được ghi nhận tại Mỹ với 1.020.072 ca. Tiếp theo là Iran (251.610 ca), Ấn Độ (231.658 ca), Anh (219 919 ca) và Brazil (209.099 ca).
WHO đưa ra 4 nguyên nhân cho tình hình hiện nay, gồm: sự xuất hiện của biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn; việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng; việc gia tăng hoạt động xã hội; và cuối cùng là việc nhiều người chưa được tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Tỷ lệ bệnh nhân mắc chủng Delta trong tổng số ca mắc mới đã liên tục tăng dần đều ở nhiều nước, buộc giới khoa học cảnh báo thành tựu chống dịch của các nước có thể thành “công cốc” nếu không có cách ứng phó phù hợp.
Một số quốc gia gần đây đã buộc phải tái siết chặt các biện pháp giãn cách nhằm chặn đà lây lan, đồng thời nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm chủng vắc-xin càng sớm càng tốt.
Nga cảnh báo 'nóng’ về hội nghị thượng đỉnh ‘Nền tảng Crimea’ ở Ukraine
RIA dẫn lời Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin coi “Nền tảng Crimea” của Ukraine là một sáng kiến chống Nga.
Thanh Bình (lược dịch)