Tin rồi đi theo bạn, người phụ nữ H'mông bị lừa bán qua biên giới
Như những thiếu nữ dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc khác, Dông không được đến trường do điệu kiện gia đình khó khăn.
Ước mơ một ngày được mặc đồng phục cắp sách đến trường của Dông không bao giờ được thực hiện khi cô phải lấy chồng từ rất sớm và trở thành lao động chính trong nhà.
Tiếng H’Mông là ngôn ngữ duy nhất cô có thể kết nối, giao tiếp với mọi người xung quanh. Vì thế, mỗi lần đi xa hay cần giao tiếp với người Kinh, Dông đều phải phụ thuộc vào chồng.
Trước thực tế này, chồng Dông luôn mặc định mình là người “quan trọng” nhất trong nhà. Người đàn ông “quyền lực” này chỉ cần không hài lòng điều gì là sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, kèm những lời chửi bới Dông không ngớt miệng.
Ngột ngạt, tuyệt vọng là cảm giác của Dông khi sống trong cảnh bạo lực gia đình bao năm. ''Con giun xéo lắm cũng quằn'', trong lúc bế tắc nhất, Dông được người bạn hàng xóm giới thiệu với một người đàn ông lạ mặt. Anh ta hứa hẹn sẽ giúp Dông có một công việc tốt hơn để cải thiện cuộc sống. Tin tưởng bạn mình, Dông không mảy may nghi ngờ và quyết định đi theo vì chị nghĩ “biết đâu đây là cơ hội để giúp gia đình mình khá hơn”.
Không biết chữ, đến khi xe dừng lại ở một nơi xa lạ, Dông lờ mờ nhận ra mình đã bị lừa đưa sang Trung Quốc. Lúc đầu chị bị bán cho một người phụ nữ Việt Nam để làm việc nhà. Chưa được bao lâu, người phụ nữ này lại tiếp tục bán Dông cho một người đàn ông Trung Quốc và bắt làm vợ.
Một năm sống trong cảnh cô độc nơi xứ người, Dông nhớ con, muốn được trở về. Chị quyết định tìm cách thoát khỏi nơi đó.
May mắn, Dông được công an sở tại phát hiện đưa trả về nước. Tại quê nhà, Dông cũng trình báo với công an địa phương. Vụ việc của Dông sau đó được đưa ra xử lý hình sự.
Những tưởng được trở về nhà trong yêu thương, người thân sẽ xoa dịu những mát mát đớn đau mà chị gánh chịu suốt một năm trời. Nhưng không, người phụ nữ H’Mông này lại đối diện với nỗi đau khác.
Nhà chồng đổ mọi lỗi lầm lên đầu cô, thậm chí họ còn muốn lấy lại ngôi nhà mà cô và các con trước đây vẫn sống.
“Tôi và các con rơi vào ngõ cụt. Tôi cố gắng tìm công việc với mong muốn có thu nhập ổn định ở quanh vùng, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Con còn nhỏ quá nên cũng không đi làm xa được. Hơn nữa, cũng không nói được tiếng Kinh nên tôi chỉ có thể chăn nuôi lợn gà và may vá ở nhà”, Dông tâm sự.
May mắn, thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái, Dông đã nhận được sự hỗ trợ từ dự án JTIP của tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thực hiện, đầu tư cho chị con bò giống và giúp chị xây dựng chuồng nuôi bò.
“Tôi rất vui và biết ơn khi có cơ hội nhận hỗ trợ từ Hagar. Nhờ việc nuôi bò từ ngày ấy, cuộc sống của 3 mẹ con giờ tốt hơn rất nhiều. Thu nhập từ chăn nuôi bò giúp tôi và hai con đã bớt khó khăn”, Dông nói.
Được biết, chị Dông cũng đã bắt đầu đi học tiếng Kinh để có thể dễ dàng giao tiếp và liên lạc với mọi người xung quanh, bởi hơn hết, chị hiểu ''ngôn ngữ sẽ trở thành sức mạnh'', giúp bản thân chị thực sự độc lập và tự chủ cho cuộc sống của chính mình.
Chia sẻ với phóng viên, bà Giang Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết, tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái thực hiện dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” với mục tiêu cùng với địa phương ngăn chặn và ứng phó với sự gia tăng nạn mua bán người do Covid-19.
Và Dông là một trong số hơn 20 nạn nhân buôn bán người nhận được sự hỗ trợ từ dự án này. Các nạn nhân buôn bán người được sơ cứu tâm lý, được chăm sóc y tế, được hỗ trợ về các dịch vụ giáo dục, pháp lý, các nhu cầu khẩn cấp, đặc biệt là sinh kế sau khi được cứu thoát trở về.
N. Huyền