Bệnh không lây nhiễm cần được quan tâm phòng ngừa
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, gần 165.000 ca mắc ung thư mới… Tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch…
Mới đây, ngày 5/1/2022, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc. Từ đó góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng chống bệnh không lây nhiễm cần bỏ thuốc thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, Shisha… Bên cạnh đó, cần hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt. Việc sử dụng thực phẩm tươi sống và tự chế biến sẽ mang lại chuyển biến tích cực cho sức khỏe của bạn.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học cần có nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, hạn chế đồ nhiều calo, uống rượu bia trong mức cho phép.
Việc chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên không chỉ giúp bạn duy trì cân nặng và vóc dáng mà còn giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng…
Người dân cũng cần khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần/năm được xem là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Ngọc Yến