BĐS xanh: Chủ đầu tư có dám làm, có dám hi sinh cho cộng đồng không?
Loe ngoe dự án BĐS “tiêu chuẩn xanh”
Tại hội thảo “Phát triển công trình xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam” diễn ra ngày 9/9 tại TP.HCM, các vấn đề liên quan đến thực trạng, giải pháp phát triển công trình xanh được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra thảo luận.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đa và đang là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất cùa Liên hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu có tới 90% do con người gây ra, 10% còn lại do tự nhiên. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất của tình trạng này. Trong đó, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
![]() |
Hiện ở TP.HCM có 7 công trình đạt chứng chỉ công trình xanh. |
Theo ông Nam, riêng với BĐS, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, xây dựng xanh ngoài mang lại lợi ích cho xã hội, môi trường còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS. Hiệp hội đã phối hợp với các ban, ngành vận động phát triển công trình xanh trên toàn quốc.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Tập đoàn Capital House cho hay, khảo sát của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây chỉ ra thị trường công trình xanh toàn cầu dự báo tăng trưởng 13% giai đoạn 2015 – 2020. Các công ty xây dựng và nhà phát triển BĐS đang chuyển hướng kinh doanh tới công trình xanh, số lượng công trình xanh của các công ty xây dựng tăng hơn 60% từ năm 2012 – 2015.
Riêng với TP.HCM, ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, số liệu tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn Thành phố đã có 7 công trình đạt chứng chỉ Công trình xanh. Trong đó, có 3 công trình chung cư, 2 văn phòng, 1 trường học và 1 công trình công nghiệp. Một số công trình đạt chứng chỉ uy tín thế giới như chứng chỉ LEED, EDGE.
Theo ông Thành, một trong các biện pháp đã thực hiện trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng của ngành xây dựng TP.HCM là đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Thành phố đã triển khi tích cực nội dung này, nhất là đối với công trình xanh sử dụng vốn ngân sách.
“Công trình xanh” làm tăng chí phí dự án
Tại hội thảo, các chuyên gia đặt vấn đề khi làm dự án BĐS “tiêu chuẩn xanh” chủ đầu tư sẽ phải tốn thêm khoản chi phí đầu tư ban đầu, qua đó sẽ làm đội giá bán?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Coteccons cho hay, xây dựng công trình xanh thì phải phát sinh thêm chi phí đăng ký, nên nhiều doanh nghiệp thực tế làm công trình xanh nhưng không đăng ký.
Theo ông Dương, Coteccons là một trong những đơn vị đi đầu phát triển công trình xanh, muốn là công trình xanh thì trước hết phải sạch và sử dụng nguyên vật liệu không nung. Cách đây 15 năm, Coteccons đã sử dụng công nghệ mới trong xây dựng nên rất ít xả bần. Ông Dương cho rằng, điều quan trọng khi đầu tư công trình xanh là chủ đầu tư phải trả lời câu hỏi: Có dám làm, có dám hi sinh cho cộng đồng không?
So sánh tốc độ phát triển công trình xanh của Việt Nam so với các nước, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Địa ốc Phúc Khang cho hay, trong khi thế giới có 74.000 dự án thương mại và nhà ở đạt chuẩn xanh thì nước ta có chưa đến 100 công trình đang ở các giai đoạn khác nhau. Con số này quá thấp so với hơn 21.000 dự án ở Singapore và 750 công trình xanh ở Úc.
“Phát triển công trình xanh không nên giới hạn tư duy ở một đơn nguyên nhà ở hay một công trình đơn độc. Hãy xem công trình xanh như một cá thể thì việc phát triển đồng bộ những ngôi nhà xanh, căn hộ xanh cùng với không gian sống xanh từ đó chúng ta sẽ có những đô thị xanh, cộng đồng xanh. Khi đó giá trị xanh sẽ tăng theo cấp số nhân và hiệu ứng lan toả về ý thức “sống xanh” đến số đông”, bà Mẫu nêu ý kiến.
Để có nhiều công trình xanh trong thời gian tới, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc GeenViet có 4 đề xuất. Đó là, yêu cầu xanh cho các công trình có vốn ngân sách; phân bổ ngân sách cho phí tư vấn xanh; có cơ chế đặc thù cho các dự án và khu vực đặc biệt, như khu đô thị Thủ Thiêm; cuối cùng là các chủ đầu tư lớn có đại diện trong hội đồng công trình xanh, hiệp hội.