Bảo hiểm nhân thọ phân chia thị phần ra sao?
Top 5 'ông lớn' bảo hiểm nhân thọ
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối năm 2022, Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần về thị phần bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam lần lượt gồm: Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, và AIA.
IAV cho biết, 5 doanh nghiệp trên chiếm khoảng 76% thị phần bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Trong khi đó, Bảo hiểm FWD dù đang bắt tay với hai “ông lớn” ngân hàng là Vietcombank và Agribank trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nhưng không có tên trong nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm.
Bảo Việt là doanh nghiệp nội duy nhất nằm trong nhóm dẫn dắt thị trường. Trong công bố gần nhất cách đây 2 năm, Bảo Việt từng cho hay nắm giữ khoảng 24% thị phần bảo hiểm trong nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể đã thay đổi trước sự trỗi dậy ngày một lớn của các đối thủ ngoại. Đây đều là những tên tuổi lớn trên thế giới và đang tích cực hợp tác với các ngân hàng Việt thông qua kênh bán chéo sản phẩm.
Doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua kênh hợp tác ngân hàng hiện chiếm khoảng 40% tổng doanh thu khai thác mới của các công ty bảo hiểm.
Trong đó, Prudential có quan hệ hợp tác cùng lúc với 7 ngân hàng trong việc phân phối bảo hiểm, gồm: Standard Chartered Bank, MSB, PVComBank, VIB, UOB, Shinhan Bank và SeABank.
Manulife, doanh nghiệp gây ồn ào nhất thời gian gần đây cũng ra sức “bành trướng” thông qua việc hợp tác với hơn 60.000 đại lý và bắt tay với 3 ngân hàng gồm Techcombank, VietinBank và SCB.
Trong khi đó, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Dai-ichi life đang hợp tác với Sacombank, Eximbank, ACB, và LienVietPostBank.
AIA cũng đang hợp tác với đối tác ngân hàng trong phân phối bảo hiểm, gồm: VPBank, VietCapital Bank, KienLongBank, HSBC, và Public Bank.
Doanh nghiệp nào đạt lợi nhuận cao nhất?
Về kết quả kinh doanh năm 2022, Prudential Việt Nam là doanh nghiệp bảo hiểm đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong số 5 doanh nghiệp nói trên.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Prudential tăng vọt 670% lên 3.636 tỷ đồng mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 11%, đạt 34.610 tỷ đồng.
Kết quả này chủ yếu là nhờ lãi suất ngân hàng tăng cao trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm.
Dai-ichi Life Việt Nam đứng thứ hai về lợi nhuận sau thuế, đạt 2.646 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Doanh nghiệp này đạt 21.825 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 17% so với năm 2021. Tổng mức bồi thường và trả tiền bảo hiểm cũng ở mức cao nhất, đạt 10.267 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.
Với Manulife Việt Nam, dù mức chi trả bồi thường tăng 36% so với năm 2021, đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, nhưng nhờ doanh thu phí bảo hiểm tăng 9,5% lên 26.835 tỷ đồng, cùng với việc lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao, nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 2.562 tỷ đồng. Con số này là cực kỳ ấn tượng bởi trước đó công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế âm 4.700 tỷ đồng trong năm 2021.
Trong khi đó, AIA Việt Nam đạt 18.490 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 12% so với năm 2021. Tổng chi bồi thường bảo hiểm 11.345 tỷ đồng (năm 2021 là 10.489 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước.
Điều bất ngờ là Bảo Việt Nhân Thọ dù dẫn đầu thị phần bảo hiểm cũng như doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ cao nhất thị trường, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đứng cuối trong số 5 doanh nghiệp dẫn đầu.
Năm 2022, Bảo Việt Nhân Thọ đạt 41.677 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, tăng trưởng 10,1%. Lợi nhuận sau thuế đạt 975 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2021.
Theo IAV, trong năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt 178.269 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,4%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 20,3%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16,3%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,3%. Phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới năm 2022 tăng 2,4% đạt 50.723 tỷ đồng. Tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả năm 2022 cho các sản phẩm bảo hiểm là 42.046 tỷ đồng. |
Tuân Nguyễn