Vì sao ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng thận trọng trong 6 tháng đầu năm?
Bảo Việt nhân thọ vẫn đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm. |
Mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng trưởng 32% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, doanh thu phí hợp đồng mới đạt 14.759 tỷ đồng, tăng 15%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 32% cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu doanh thu phí mới cũng có sự biến động mạnh ở hai sản phẩm chính là “liên kết đầu tư” và “hỗn hợp”, cụ thể:
Doanh thu phí từ sản phẩm “liên kết đầu tư” tăng trưởng 52% so với cùng kỳ, đóng góp 70% tổng doanh thu phí mới và trở thành động lực tăng trưởng chính của doanh thu phí mới (mức đóng góp của 9 tháng đầu năm 2018 mới chỉ 60%)
Trong khi đó, doanh thu phí từ sản phẩm “hỗn hợp” giảm mạnh 38% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của mảng này trong tổng doanh thu phí mới cũng giảm từ mức 25% trong 9 tháng đầu năm 2018 xuống còn 14% trong nửa đầu năm nay.
Theo Công ty Chứng khoán VDSC, sự thay đổi doanh thu của hai sản phẩm này xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh việc bán sản phẩm “liên kết đầu tư” sau khi có Nghị định mới quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư.
Cụ thể, Nghị định 151/2018/ NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 11/2018, sửa đổi một số điều của Nghị định 73/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2014 / NĐ-CP, loại bỏ quy định yêu cầu các đại lý phải có kinh nghiệm tư vấn bảo hiểm hoặc làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, để được bán bảo hiểm liên kết đầu tư.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm chủ động giảm bán sản phẩm bảo hiểm “hỗn hợp” trong giai đoạn lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) thấp. Bởi lẽ, lãi suất TPCP trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học và lãi suất TPCP trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao, nếu đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh. (Lãi suất trúng thầu TPCP tỷ lệ thuận với lãi suất kỹ thuật tối đa, và tỷ lệ nghịch với chi phí dự phòng toán học).
Do vậy, cho đến khi lãi suất trúng thầu TPCP tăng trở lại, các công ty bảo hiểm sẽ chưa đẩy mạnh doanh số sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.
Gánh nặng dự phòng toán học có thể giảm sau khi Thông tư 01/2019/TT-BTC có hiệu lực, do sự thay đổi công thức của lãi suất kỹ thuật trong tính toán dự phòng toán học:
Theo Thông tư 50/2017/TT-BTC: Lãi suất kỹ thuật tối đa = Lãi suất trung bình của TPCP kỳ hạn từ 10 năm trở lên phát hành trong 6 tháng gần nhất x 70%.
Thông tư 01/2019/TT-BTC (sửa đổi một số điều của TT 50): Lãi suất kỹ thuật tối đa = Lãi suất trung bình của TPCP kỳ hạn từ 10 năm trở lên phát hành trong 24 tháng gần nhất x 80%.
Với lãi suất trúng thầu TPCP ở mức thấp kể từ cuối năm 2017, VDSC cho rằng việc điều chỉnh độ dài thời gian tính lãi suất trung bình từ 6 tháng lên 24 tháng có thể giúp lợi nhuận các công ty bảo hiểm nhân thọ không biến động quá lớn.