Báo động ngộ độc Methanol gia tăng, rượu bia là thủ phạm 30 bệnh không lây nhiễm
Vào 2h00 ngày 21/8, Khoa Hồi sức nội (A27), Bệnh viện Quân Y 103( BVQY 103) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.S, 52 tuổi, vào viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, sùi bọt mép, hơi thở có mùi cồn, HA 210/100 mmHg, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hoá nặng.
Sau khi khai thác bệnh sử, theo lời của vợ bệnh nhân. Trước đó vào trưa ngày 19/8 bệnh nhân đi liên hoan có uống rượu không rõ loại.
Đến sáng ngày 20/8, bệnh nhân biểu hiện nhìn mờ, nhìn đôi, mệt mỏi, đau đầu, đến chiều ngày 20/8 nôn nhiều ý thức lơ mơ, thở nhanh thì được gia đình đưa vào BVQY 103 cấp cứu.
Bia rượu, thủ phạm trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau |
Sau khi hội chẩn cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc methanol đường uống mức độ nặng giờ thứ 36 (kết quả xét nghiệm Methanol trong máu là 61,6 mg/dL).
Sau khi xác định chẩn đoán, bằng các biện pháp hồi sức tích cực: lọc máu liên tục sớm, kiểm soát cân bằng kiềm toan, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn, hỗ trợ chức năng các tạng chống suy tạng, chăm sóc dinh dưỡng. Sau 18 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân không còn nồng độ Methanol trong máu và sau 5 ngày điều trị đã được ra viện.
Methanol (CH3OH) được dùng trong công nghiệp hoá chất, có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh… Ngộ độc methanol chỉ xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Bản thân methanol ít độc nhưng những chất chuyển hoá của nó lại có độc tính cao, khi vào trong cơ thể con người nó sẽ chuyển hoá thành Formol (Formaldehyd) và axit formic, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ đặc biệt những tổn thương ở mắt và não, bên cạnh đó là tình trạng ảnh hưởng đến chức phận sống nặng như hạ huyết áp dữ dội, và rối loạn nôi môi như nhiễm toan chuyển hoá nặng…
Tuy nhiên các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn do sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như: mờ mắt, lơ mơ, khó thở, co giật và dần hôn mê. Chính vì vậy, nếu ko được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao. Trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng có thể chịu những di chứng nặng nề.
TS. BS Phạm Thái Dũng – Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội chia sẻ: bệnh nhân N.T.S chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol mà trong thời gian qua Khoa Hồi sức nội (A27) đã từng tiếp nhận.
Qua đây Khoa Hồi sức nội – Bệnh viện Quân y 103 cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý: hạn chế uống rượu bia, chỉ sử dụng các loại rượu có nguồn gốc rõ ràng để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc Methanol.
Trong trường hợp sau khi uống rượu mà xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, nhìn mờ, nhìn đôi, đặc biệt người uống được rượu mà vẫn say với số lượng như mọi khi cần phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ diễn biến nặng gây các biến chứng như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, tổn thương não, mờ mắt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, viêm dạ dày, rối loạn nước, điện giải, trào ngược phổi, viêm phổi, tiêu cơ vân, suy thận…..suy chức năng đa tạng và thậm chí tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6.6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao. Trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động.
Điều tra nguy cơ bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại-đó là uống rượu bia quá độ. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.
Trong khi đó, việc sử dụng rượu, bia không phù hơp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng. Sử dụng rượu, bia cũng là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau.
Theo đó, rượu bia gây ra đột quỵ, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính… Rượu bia còn gây ra những bệnh tật đường miệng như hạ hầu, hầu họng, ung thư thanh quản, thực quản, tuyến mật trong gan, ung thư vú ở phụ nữ.
N. Huyền