Bán dẫn, vi mạch là ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia
Ngày 19/12, tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC, Công ty Cổ phần Tập đoàn SUN Electronics tổ chức Tọa đàm "Phát triển công nghiệp điện tử: Cơ hội và chiến lược nào cho Việt Nam".
Theo thông tin từ hội thảo, Việt Nam đang định hướng ngành công nghệ điện tử và bán dẫn, vi mạch là ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng, đây là bài toán hóc búa cho các doanh nghiệp. Để có thể hiện thực hóa được mục tiêu đề ra thì cần phải có định hướng chiến lược dài hạn, thực tế hơn, cùng với đó là những giải pháp phù hợp với khả năng hiện tại.
Ông Huỳnh Tấn Bửu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics bày tỏ sự quan ngại khi Việt Nam hiện tại vẫn chưa có bất cứ nơi nào đào tạo về công nghệ điện tử và bán dẫn, vi mạch.
“Chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác với Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP Training) để thành lập Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC), để đào tạo từ các kỹ thuật viên đến thạc sỹ. Học viên sẽ được trang bị các kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia lâu năm về điện tử tại Thung lũng Silicon Hoa Kỳ. Sau khi học xong các khoá học và thực hành ngay tại những nhà máy sản xuất điện tử đa năng và chất lượng cao, học viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế. Qua các khóa đào tạo, chúng ta sẽ dần xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, từ đó đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện tử trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Bửu nói.
Liên quan tới bài toán phát triển ngành công nghệ điện tử và bán dẫn, vi mạch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – truyền thông, Bộ Thông tin và cho biết: Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược phát triển vi mạch, huy động nguồn lực của các bộ, ngành, doanh nghiệp cùng tham gia; đẩy mạnh/ kết nối doanh nghiệp trong nước, các trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp và hiệp hội bán dẫn Mỹ. Ngay trong tháng 12023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện các chương trình chi tiết cho việc kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm ban hành Thông tư về chính sách miễn thuế cho tất cả các linh kiện. Đây là lần đầu tiên có ưu đãi lớn cho doanh nghiệp điện tử, tạo điều kiện cho ngành điện tử phát triển trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện... Hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ đều đã có mặt tại Việt Nam như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm…
Được biết, theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này là 23,8%/năm; tầm nhìn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...).
Giai đoạn 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế...
Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội mới đây cũng xác định một trong những mục tiêu đặt ra là phải đưa sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt ít nhất 45% vào năm 2030.
Bình Minh