Vi mạch điện tử giúp người mù 'sáng mắt'
Viêm võng mạc sắc tố di truyền (RP) là loại bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới võng mạc. Theo đó, các tế bào mắt nhận diện ánh sáng ở lớp điểm vàng bên trong mắt bị phân hủy từ từ, dẫn tới việc giảm thị lực và mù hoàn toàn ở các bệnh nhân. Dù căn bệnh này không thể chữa được nhưng các dây thần kinh võng mặc vẫn còn chức năng nhận diện một vài điểm sáng.
Thiết bị mới giúp người mù do viêm võng mạc sắc tố di truyền có thể nhìn lại. |
Tại điểm vàng trên võng mạc, một thiết bị cảm thụ ánh sáng cực nhạy cũng sẽ được lắp đặt để giúp nhận diện ánh sáng. Nếu các dây thần kinh chưa bị hư hại, con chíp đặc biệt nằm trong bộ vi mạch điện tử sẽ khuếch đại những ánh sáng cảm thụ được lên mức 1.500 pixel trước khi truyền vào các dây thần kinh võng mạc.
Ngoài ra con chíp còn có 16 điện cực, được thiết kế để kích hoạt các dây thần kinh tự nhận diện một số hình ảnh, giúp bệnh nhân cảm thụ tốt hơn cảnh quan xung quanh. Thực hiện những công việc khá phức tạp nhưng con chíp đặc biệt chỉ dài 3 mm. Với khả năng kết hợp hoàn hảo với các thiết bị khác, bộ vi mạch được coi là đột phá trong việc hạn chế tác hại bệnh RP.
Phương pháp phục hồi thị lực này được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Tubingen của Đức. Với thao tác cấy ghép không mấy phức tạp, thiết bị này sẽ khôi phục lại khả năng nhận biết của khoảng 15 triệu người mắc căn bệnh RP trên khắp thế giới.
Tuy không thể phục hồi được 100% thị lực nhưng thiết bị mới đủ giúp họ nhận ra nét mặt người đối diện. Thậm chí, nó cũng là cơ hội để những người mù lòa do viêm võng mạc có thể phân điện được các đối tượng khác nhau như trái cây để trên bàn hoặc các biển chỉ đường. Những thử nghiệm đầu tiên trên 27 bệnh nhân cho thấy, độ phân giải hình ảnh mà họ có được nhờ bộ vi mạch đặc biệt khá sắc nét.
Thiết bị cảm biến ánh sáng cực nhạy gắn trong võng mạc. |
Giáo sư Eberhart Zrenner, Viện Nghiên cứu Nhãn khoa Đại học Tubingen chia sẻ: “Là những người bác sĩ, chúng tôi không ngừng tìm kiếm các phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân. Chúng tôi cũng chắc chắn rằng, những người bị mù, lòa do viêm võng mạc sắc tố có khả năng nhìn trở lại nhờ phương pháp này”.
“Nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng bổ sung đối với công nghệ cấy ghép võng mạc đối với một số bệnh nhân bị thoái hóa. Tuy không thể phục hồi hoàn toàn nhưng nó cũng giúp các bệnh nhân không thể nhìn có thể nhận dạng được cuộc sống xung quanh, giúp họ dễ dàng hơn trong sinh hoạt cá nhân”, Giáo sư Zrenner cho biết.
Hồng Duy