Bắc Giang tăng cường quản lý đảm bảo duy trì cung ứng xăng dầu trên thị trường
Vào cuối tháng 8 vừa qua, tại tỉnh Bắc Giang có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Công Toản, qua kiểm tra thực tế tại kho của một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho thấy, một số cửa hàng xăng dầu đã ngừng bán do hết nguồn, không còn nhiên liệu; ngay cả một số thương nhân đầu mối cũng không có nguồn cung cấp cho các đại lý.
Năm nay, giá xăng dầu trong nước biến động tăng, giảm đan xen phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Tính đến ngày 21/10/2022, xăng dầu trong nước đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá, trong đó có 15 lần tăng và 12 lần giảm, 1 lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.000 - 22.000 đồng/lít, tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Từ cuối năm 2021 đến nay, đặc biệt từ tháng 12/2021, do xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraina, các chính sách cấm vận kinh tế cứng rắn của Mỹ, EU đối với Nga; chính sách phòng, chống dịch của Trung Quốc… dẫn tới thị trường dầu mỏ thế giới từ nguồn cung, giá cả, chi phí vận chuyển,..., có nhiều biến động, diễn biến khó lường khiến cho các doanh nghiệp, đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng, duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định, hạn chế thua lỗ.
Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng tác động đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả và hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trước tình hình trên, để tăng cường quản lý, đồng thời bảo đảm duy trì cung ứng xăng, dầu đầy đủ, liên tục cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Công Thương chủ động nắm bắt tình hình nguồn cung xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương chỉ đạo, điều phối, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động cửa hàng báng lẻ xăng, dầu.
Đồng thời, Sở phối hợp với Cục Quản lý thị trường thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng theo nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Về phía Cục Quản lý thị trường tỉnh cần chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu và các quy định về thời gian đăng ký bán hàng, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, hiện nay, Bắc Giang có 3 thương nhân đầu mối, 10 thương nhân phân phối và 340 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bố rộng khắp tại các huyện, thành phố, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân.
Dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 toàn tỉnh khoảng 360 nghìn m3 (trong đó sản lượng xăng chiếm 40%, dầu DO chiếm 60%); tốc độ tăng sản lượng tiêu thụ hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 8 - 12%.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Công Minh (một trong những doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu của tỉnh Bắc Giang) cam kết, đơn vị vẫn bảo đảm nguồn cung cho các đại lý bán hàng thuộc hệ thống do chủ động dự trữ nguồn hàng phục vụ thị trường.
Nguyễn Hải