Bắc Giang: Nhiều giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có trên trên 479 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số; trong đó có trên 4 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và khoảng 40 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi phần lớn là trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Trong thời gian qua, các ban ngành, địa phương đã triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được toàn tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp; trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra trong nhiều môi trường, từ gia đình, xã hội và cả trường học, do nhiều đối tượng gây ra.
Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho Ban Điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp về bảo vệ trẻ em, nhất là Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Giải quyết, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.
Được biết, mới đây Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các đơn vị mở đợt cao điểm tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông, an toàn trường học, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 15/11/2022 đến hết ngày 5/2/2023.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT yêu cầu tổ chức đa dạng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, gia đình - nhà trường - xã hội về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan tới công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực và xâm hại trẻ em.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Chú trọng giáo dục về đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, trách nhiệm nêu gương của người lớn; phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành, địa phương nhằm đẩy lùi, ngăn chặn các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, qua đó góp phần cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện.
Tiến Quang