ASEAN sẽ trở thành khu vực không có khói bụi vào năm 2020?
Theo ASEAN Post, khói bụi từ các đám cháy rừng gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, nguồn tài nguyên sống, hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, sự can thiệp của hoạt động quy hoạch đất đai cũng như sử dụng môi trường chưa hợp lý đã đẩy nạn khói bụi trở thành vấn đề tồn tại suốt hàng thập niên ở Đông Nam Á mà chưa có cách giải quyết.
Cháy rừng ở Indonesia. |
Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) ra đời năm 2002 cùng Lộ trình hợp tác ASEAN hướng tới Kiểm soát Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới với các biện pháp thực hiện được ký kết năm 2016 được xem là 2 văn kiện dẫn đường cho ASEAN hướng tới trở thành khu vực không có khói bụi vào năm 2020.
Tuy nhiên, với mục tiêu không rõ ràng về việc đảm bảo “ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới trong khu vực sẽ được loại bỏ thông qua các biện pháp hợp tác tăng cường nhằm ngăn chặn và kiểm soát cháy rừng” cũng như không có hành động cụ thể nào được đề ra đối với nhóm thực thi pháp luật và chính sách đối với các ngành công nghiệp trong việc phát quang đất đai để trồng trọt nông nghiệp hoặc phục vụ những mục đích khác là điều dễ hiểu vì sao khói bụi vẫn là vấn đề môi trường nhức nhối nhất trong khu vực ASEAN.
Trong khối ASEAN, nhiều khu rừng bị thiêu rụi vì cháy rừng tự nhiên hay do con người phát quang để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khói bụi từ những đám cháy này không chỉ bao trùm trong khu vực mà còn lan sang nhiều quốc gia láng giềng và gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như gây ra thiệt hại kinh tế, hệ sinh thái và xã hội.
Điển hình, hàng năm những đám cháy xuất phát từ Indonesia, nhưng khói bụi lại nhanh chóng bay theo hướng gió di chuyển tới các nước láng giềng là Malaysia và Singapore. Đây chính là lý do cần có một sáng kiến bền vững và phổ biến với cả khu vực để đối phó với vấn nạn hàng năm nay.
Trong năm nay, nạn khói bụi từ các đám cháy rừng ở Indonesia lại một lần nữa tái diễn. Theo thông báo từ Cơ quan Giảm thiểu thảm họa Riau, 2.719 hectare đất ở tỉnh Riau đã bị thiêu rụi do nạn cháy rừng trong năm nay. Thậm chí, những đám cháy bùng phát từ tháng trước tới nay vẫn tiếp tục lan rộng.
Quân đội Indonesia đã phải điều động cả máy bay quân sự để tạo mưa nhân tạo hồi tháng trước, trong bối cảnh khói bụi đạt mức nguy hiểm buộc các trường học trên đảo Sumatra phải đóng cửa hoạt động.
Hàng năm, Indonesia được liệt vào danh sách những quốc gia chịu trách nhiệm chính cho việc phát tán khói bụi trong khu vực. Trong cuộc khủng hoảng khói bụi vào năm 2015 khiến cả khu vực ASEAN phải chịu ảnh hưởng suốt nhiều tuần, Indonesia đã sản sinh ra lượng carbon còn nhiều hơn cả toàn nền kinh tế EU phát thải trong cùng năm.
Tuy nhiên, không phải chỉ có Indonesia mà nhiều quốc gia khác trong khối ASEAN cũng đang phải đối mặt với nạn khói bụi trong nước.
Cụ thể, trong tháng này, gần 300 hectare đất than bùn ở bang Terengganu của Malaysia bắt cháy, khiến lực lượng cứu hỏa phải mất gần 2 tuần mới có thể kiểm soát được đám cháy vào ngày 24/3.
Bang Johor có đường biên giới với Singapore cũng đã ghi nhận 1.443 vụ việc liên quan tới cháy ngoài trời trong hai tháng đầu năm nay. Trong đó, Cơ quan Cứu nạn và Cứu hỏa Johor cho hay 141 vụ việc liên quan tới cháy rừng và 879 vụ là cháy lan.
Trong hoàn cảnh Chỉ số ô nhiễm không khí (API) ghi nhận tình trạng ô nhiễm nguy hiểm ở nhiều quận của Malaysia hồi tuần trước, Bộ Giáo dục Malaysia đã quyết định để hiệu trưởng các trường tự quyết có nên cho đóng cửa hoạt động hoặc hạn chế hoạt động ngoài trời của học sinh hay không tùy điều kiện khí hậu và môi trường.
Còn tại Thái Lan, Trung tâm Dữ liệu biến đổi khí hậu của Thái Lan báo cáo nạn khói bụi ở các khu vực phía bắc nước này được ghi nhận xuất hiện ở 149 điểm nóng trong giai đoạn từ ngày 4 – 10/2. Trong cùng giai đoạn, Campuchia ghi nhận 159 điểm nóng, Việt Nam là 61và Myanmar là 18. Trong đó, nhiều đám cháy xuất phát từ việc nông dân đốt ruộng ngô và mía để chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Hồi tháng trước, Tiến sĩ Chaicharn Pothirat, giảng viên tại Đại học Y khoa Chiang Mai cho hay phần lớn nông dân Thái Lan không quan tâm tới lệnh cấm đốt rừng để sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ việc các ban ngành chức năng còn yếu kém trong khâu quản lý.
Với vị thế là khu vực có nhiều nền kinh tế nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh nhất thế giới, điều dễ hiểu là vì sao ASEAN vẫn đang phải chật vật cân đối giữa mối quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian để ASEAN nghĩ cách kiểm soát vấn nạn ô nhiễm môi trường gần hết, chính phủ các nước trong khu vực cần đưa ra biện pháp quản lý hợp lý cùng các chế tài để đạt được mục tiêu mà Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) đã đề ra.