ASEAN - Một cộng đồng ngày càng lớn mạnh
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, từ một nhóm các quốc gia Đông Nam Á vốn bị chia rẽ bởi chiến tranh, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN ngày nay là một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín và thành công trên thế giới. ASEAN hiện là “ngôi nhà chung” gắn bó hơn 650 triệu người dân của 10 quốc gia Đông Nam Á có bản sắc văn hóa đa dạng, một cộng đồng kinh tế lớn thứ 5 thế giới, một đối tác tin cậy và quan trọng của nhiều quốc gia, đóng vai trò trung tâm của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết quan trọng ở khu vực.
Xét theo thực thể địa lý, ASEAN gồm 2 khu: hải đảo và lục địa. 5 quốc gia hải đảo được biết đến với cái tên quần đảo Mã Lai gồm: Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Brunei. 5 quốc gia thuộc bán đảo Trung Ấn gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN đã mở đường cho xây dựng ngôi nhà chung ASEAN gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á. Năm 1997, lần đầu tiên ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 về một Cộng đồng “gắn kết trong bản sắc chung”, đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia thành viên về một khu vực Đông Nam Á “sông núi không còn chia cắt mà gắn kết chúng ta trong hữu nghị và hợp tác”.
“Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội đã nâng tiến trình hợp tác và liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng. “Phương cách ASEAN” dựa trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy, tạo nên giá trị và bản sắc của ASEAN. Chính “phương cách ASEAN” đã giúp ASEAN và các nước thành viên vượt qua những giai đoạn sóng gió của khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phân tích.
Thực tế, ASEAN nếu là một “quốc gia” thì đây sẽ là một trong Top 6 nền kinh tế hàng đầu thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ. Tính đến năm 2022, trao đổi thương mại nội khối đã chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. GDP của cả khối ASEAN năm 2021 đã đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015 khi thành lập Cộng đồng ASEAN. Nếu tính cả khối, GDP danh nghĩa của ASEAN đã chính thức vượt Anh, đứng vào Top 6 thế giới – một thành tích rất đáng nể khi vị thế của từng thành viên ASEAN ngày càng được khẳng định.
Được biết, ASEAN hiện đang là trung tâm của không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu. Một cộng đồng ngày càng lớn mạnh với các thành viên đang vươn lên trở thành “cường quốc” ở nhiều lĩnh vực. Ví dụ nông nghiệp, Việt Nam được biết đến là cường quốc về lúa gạo, café, điều, hải sản… Chắc chắn, khi sinh nhật 60 năm ASEAN, thứ hạng các nền kinh tế các thành viên của khối sẽ lại được nâng lên.
Nam Phương