100% sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt
Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm học 2020 – 2021, 100% sinh viên của trường sẽ thực hiện đóng học phí qua ứng dụng ViettelPay.
Cùng với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, việc thanh toán học phí thông qua các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, ngày 11/9, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội liên kết với Tổng Công ty dịch vụ số Viettel thực hiện chương trình hỗ trợ sinh viên đóng học phí qua ứng dụng ViettelPay.
Cụ thể ứng dụng này giúp sinh viên chủ động mọi lúc, mọi nơi khi đóng học phí. Điểm thuận lợi của dịch vụ này là không hạn chế thời gian giao dịch, không cần số tài khoản và không giới hạn nhà mạng.
Sinh viên thanh toán học phí có thể thực hiện trên cả điện thoại thông minh hoặc những dòng máy điện thoại thông thường. Ngoài ra, sinh viên có thể tải app để đăng ký, hoặc nhân viên chuyên trách đến tận nơi hỗ trợ khách hàng.
Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đăng ký dịch vụ đóng học phí điện tử. |
Ứng dụng cũng hỗ trợ liên kết nguồn tiền từ ngân hàng khác, chuyển khoản từ ngân hàng khác hoặc nhận tiền lương, nhận học bổng vào tài khoản.
Dùng ứng dụng này, phụ huynh khi đóng học phí cho con chỉ cần đến các điểm giao dịch tại địa phương và nạp tiền vào tài khoản. Bên cạnh đó, dịch vụ rất phù hợp với sinh viên khi không tốn dữ liệu (data) 3G/4G, không cần internet, không cần số dư tài khoản và liên kết tất cả ngân hàng nội địa.
Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thí điểm dịch vụ trong tháng 8/2020 và đã có 14.477 sinh viên thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Đánh giá về dịch vụ, sinh viên Tạ Ngọc Dũng, cho biết: “Ứng dụng thanh toán học phí không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho sinh viên, mình có thể đóng học phí mọi lúc, mọi nơi và tiện lợi hơn so với việc đóng học phí tại ngân hàng”.
Đến nay, việc triển khai thu học phí không dùng tiền mặt đã được thực hiện tại nhiều trường đại học trên cả nước như trường Đại học Bách Khoa, Đại học FPT, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, trường Đại học Ngoại ngữ Huế…
Được biết, nhiều ngân hàng hiện nay đang tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ công cũng như bổ sung thêm nhiều tính năng để đưa dịch vụ thanh toán học phí không tiền mặt nói riêng và xu hướng thanh toán không tiền mặt nói chung trở nên gần gũi, thân thiện hơn với người dùng.
Có thể nói, với sự trợ lực từ ngân hàng và các tổ chức tài chính, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp cận ngày càng sâu rộng trong môi trường học đường, góp phần thay đổi thói quen chi tiêu của người dân theo hướng hiện đại, tiện lợi hơn, đồng thời, giúp tiết kiệm đáng kể tài lực khi nhà trường giảm được gánh nặng sao lưu chứng từ, phụ huynh tiết kiệm được thời gian, công sức.
Đây là động lực để các nhà quản lý tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt để xu hướng hiện đại này thực sự phát triển và phổ biến trong cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia khi nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh thì việc thanh toán bằng tiền mặt không thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm, đó là thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán học phí không dùng tiền mặt mang nhiều lợi ích như giảm thời gian, chi phí quản lý và kiểm đếm tiền mặt, giảm thiểu rủi ro về tiền giả. Đồng thời, tạo dựng nên hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại phù hợp với sự phát triển không ngừng về công nghệ thông tin hiện nay.
Đối với người học không mất phí khi sử dụng dịch vụ thanh toán tiền học phí giúp thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và chính xác; giảm thiểu việc mang theo tiền mặt, tránh trường hợp đánh rơi hoặc bị trộm cắp…
Cuối tháng 11/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 5421/BGDĐT-KHTC về việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Bộ yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện các quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại.
Khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác; Thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản;
Lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động ... tại các cơ sở giáo dục và đào tạo để người học và gia đình người học dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.
Hoàng Thanh