10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng nếu nước biển dâng 1m
Hiện tượng cực đoan do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng tới các hình thái thời tiết, phân bố mưa, nhiệt độ không khí và mực nước biển dâng,…Tất cả đã và sẽ gây tác động nghiêm trọng tới nông nghiệp, thủy sản và an ninh lương thực của Việt Nam. Đặc biệt, nhiễu động khí hậu với xu thế tăng nhiệt độ không khí và mực nước biển sẽ có tác động nghiêm trọng đối với lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, biến đổi và biến thiên khí hậu gây ảnh hưởng mạnh đến nông, lâm, thủy sản, nghề cá và cộng đồng ngư dân. Hàng triệu người Việt Nam, phần lớn đang còn nghèo, vẫn phải dựa vào nghề đánh bắt quy mô nhỏ vì sinh kế. Chỉ cần một thay đổi trong hình thái thời tiết có thể làm giảm khả năng của người dân tiếp cận nguồn lợi thủy sản và làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương, vì thế càng đẩy họ tới tình trạng nghèo đói.
Với hơn 3.260 km đường bờ biển và hai đồng bằng châu thổ lớn, Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, nếu mực nước biển dâng thêm 1m sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống của 10,8% dân số Việt Nam sống tập trung tại các vùng châu thổ; nếu dâng 5m thì khoảng 16% diện tích đất ven bờ sẽ bị ngập lụt, và khoảng 35% dân số; 35% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) bị đe dọa. Rõ ràng, đó là vấn đề cấp bách không những trước mắt mà cả lâu dài của Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trao đổi về câu chuyện này, một chuyên gia về môi trường biển, đảo lưu ý: “Hiểu biết của chúng ta về tác động của biến đổi và biến thiên khí hậu tới nghề cá quy mô nhỏ vẫn còn hạn chế so với các lĩnh vực nông, lâm và năng lượng. Cần phải có nỗ lực từ cấp quốc gia tới địa phương trong việc đánh giá tác động của BĐKH đối với ngành nông, lâm thuỷ sản và đưa ra các biện pháp thích ứng mang tính khoa học. Cũng cần phải lồng ghép các hiện tượng thời tiết cực đoan trong quản lý ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản và xây dựng chính sách”.
Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm tới việc xây dựng các kịch bản BĐKH và nước biển dâng đối với Việt Nam. Các dự báo BĐKH khí hậu bằng phương pháp mô hình hiện nay do sự tăng lượng phát thải khí nhà kính cho thấy nhiều thay đổi đáng kể chế độ hệ thống gió mùa. Ở Việt Nam nổi lên là các dị thường lượng mưa và tăng nhiệt độ do sự ấm lên toàn cầu, đặc biệt là bão và lũ lụt sau mỗi chu kỳ 3 - 4 năm, và tác động của chúng tới các hệ sinh thái (rừng ngập mặn, dải ven bờ, châu thổ), ngành nông lâm thuỷ sản và sinh kế của người dân.
Theo kịch bản tính toán, khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,70C và mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Dự kiến tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 30C. Nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, và sẽ làm khoảng 40.000 km² đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.
Theo một tính toán khác của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), ở Việt Nam, mực nước biển dâng cao sẽ làm ngập phần lớn khu vực đông dân cư thuộc các vùng cửa sông ven biển châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long vào năm 2070, đe doạ nghiêm trọng sản xuất lúa và an ninh lương thực.
Nếu mực nước biển dâng cao 90cm vào năm 2070 thì khoảng 500.000 ha ở châu thổ sông Hồng, 1.500.000 – 2.000.000 ha ở đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 400.000 ha rừng đước và đầm lầy ở phía Nam bị ngập. Mặn xâm nhập và tác động tới khoảng 2.200.000 – 2.500.000 ha. Nước biển dâng cũng sẽ làm giảm khả năng thoát nước, làm ngập lụt 400 km chiều dài dọc theo sông Mêkông và 200 km chiều dài dọc theo sông Hồng. Nhiều thành phố, thị xã như cảng Hải Phòng, Vũng Tàu và nhiều nơi thuộc tỉnh Bến Tre bị ngập.
Theo kịch bản cao nhất tính cho Việt Nam thì nhiệt độ trung bình năm vào năm 2100 có thể tăng 3 – 60C ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, 2,1 - 2,60C ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999; Lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 có thể tăng khoảng 10% so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, 5% ở Nam Trung Bộ, và 2% Tây Nguyên và Nam Bộ; Còn về mực nước biển trung bình có thể dâng đến 30 - 33cm vào năm 2050 và 74 - 100cm vào năm 2100 so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999.
Ngoài ra, nếu mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2100 thì: 14.520 km2 (4,4%) diện tích của Việt Nam sẽ bị ngập vĩnh viễn; trên 60% (39 tỉnh) và 6/8 vùng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng; khoảng 20% xã (2.057/10.511 xã) trên cả nước sẽ bị ngập một phần hay toàn bộ; khoảng 9.200km (4,3%) đường bộ của cả nước sẽ bị ngập vĩnh viễn; khoảng 574km đê và 90% đường bộ của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập.