Ý nghĩa của Đề án 32 với cộng đồng - Khi nỗi đau được chia sẻ
Theo một khái niệm đơn giản dễ hiểu nhất thì nghề công tác xã hội (CTXH) là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mệnh của nghề CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, giảm sự bất công và sự bất bình đẳng trong xã hội…
Cũng có thể hiểu rằng nghề CTXH là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Nghề CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nguyên tắc căn bản trong hoạt động của nghề CTXH là tôn trọng nhân quyền và tạo sự công bằng trong xã hội.
Mục tiêu chung mà nghề CTXH hướng đến là: Phát hiện những mối quan tâm của con người (ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý, tình cảm...); Xác định các nhu cầu của con người (ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...). Trên cơ sở đó, những người làm nghề CTXH xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể để dáp ứng các nhu cầu đó.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một nữ bác sỹ, chị cho biết đã từng tiếp xúc và gặp gỡ rất nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự trợ giúp về tinh thần, tâm lý. Có những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là những đối tượng cần sự cảm thông, hỗ trợ từ cộng đồng như trẻ khuyết tật, tự kỷ, mồ côi cha mẹ, bị bạo lực gia đình hay những người phụ nữ yếu thế trong xã hội, người già đơn côi. Nhờ có những người làm nghề CTXH có tâm huyết đã giúp đỡ được những đối tượng gặp khó khăn vượt qua được nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần.
Do đặc thù nghề CTXH là nghề gắn liền với các hoạt động nhân đạo, bám sát vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội, là hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao quý, nếu người làm nghề CTXH sẽ không đặt mục tiêu làm giàu hay vì mục đích nào khác. Những đối tượng được trợ giúp xã hội là những nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với sự ra đời của Đề án 32, đến nay Đảng, Nhà nước và rất nhiều các tổ chức, cá nhân đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hỗ trợ rất nhiều, kịp thời đến với những nhóm đối tượng cần sự trợ giúp về cơ sở vật chất.
Chăm sóc các em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Nhiều ý kiến cho rằng đã làm nghề CTXH thì phải đặt vấn đề phi lợi nhuận đối với hoạt động này. Khi thực hiện công tác trợ giúp, hỗ trợ CTXH, thì cần có quan điểm không vì mục đích lợi nhuận, làm giàu. Đây cũng là quan điểm của những người làm công tác quản lý nhà nước nói chung và định hướng hoạt động nói riêng đối với công tác này, đồng thời sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho công tác quản lý, định hướng nghề, góp phần thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Nghề CTXH tuy còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần thì sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm người yếu thế trong xã hội vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng, giúp họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác.
Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)