Xuất nhập khẩu Việt Nam “lên đỉnh”, đứng thứ 2 khu vực ASEAN
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa công bố, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức đạt mốc kỷ lục 700 tỷ USD, vươn lên đứng vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về kim ngạch xuất nhập khẩu.
Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh mẽ bởi xung đột Nga - Ukraine, sự kéo dài những hệ lụy của đại dịch COVID-19 cũng như sự cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các nền kinh tế lớn kéo theo nhiều biến động về thị trường, nhiều chuỗi hàng hóa bị đứt gãy, lạm phát gia tăng trên toàn thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu so với thế giới, trong khi tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 dự báo chỉ đạt 3% - 4% thì Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng 11,8%, tính đến hết tháng 11/2022. Năm 2022, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng mức 2 con số, nhiều thị trường được mở rộng, nhiều mặt hàng đã vươn lên đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu
Vậy con số 700 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã nói lên điều gì. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, con số này đã khẳng định mạnh mẽ các nỗ lực của toàn nền kinh tế nước ta, khẳng định quy mô, vị thế của nền kinh tế đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Indonesia, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Singapore).
Nói về các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, để đạt được những con số ấn tượng nêu trên, việc đa dạng hóa thị trường đóng vai trò quan trọng. Về xuất khẩu, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường lớn nhất trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD).
Nói về các giải pháp thúc đẩy kim ngạch thương mại, đại diện Bộ Công Thương nhận định: Có được kết quả trên là còn là nỗ lực của các doanh nghiệp đã không ngừng nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng hàng hóa, tìm kiếm các giá trị mới. Các cơ quan hữu quan không đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp ở các lĩnh vực ngành hàng.
Riêng với ngành Hải quan, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành này đã đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, luôn tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại và đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như đang chuẩn bị thực hiện Hải quan số. Cụ thể lĩnh vực chuyển đổi số của ngành Hải quan đã được các cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong các đơn vị dẫn đầu trong các cơ quan, bộ, ngành.
Được biết, hầu hết thủ tục về hải quan đã được số hóa, số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 97,5%, số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan theo phương thức điện tử chiếm 99,8% với kim ngạch chiếm 99,95%. Ngành Hải quan cũng là một trong những ngành chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ nhất không chỉ trong lĩnh vực của mình mà còn có tác động chung tới rất nhiều ngành có liên quan trong năm 2022.
Nam Phương