Xuất lậu than hàng chục triệu tấn mỗi năm, ngành than sắp ngắc ngoải?
Phát biểu tại hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản - Các bất cập và khuyến nghị” diễn ra ngày 29/7, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ ra hàng loạt bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực đầu tư khai thác khoáng sản.
Bất cập lớn nhất được ông Sơn chỉ ra, đó là bất cập từ chính sách. Theo ông, bản thân chính sách ban hành không bất cập nhưng bất cập ở chỗ, ban hành rồi lại giữ bí mật, không phổ biến, không công khai, không minh bạch.
“Nếu phổ biến công khai, minh bạch thì làm gì có chuyện sau khi cấp phép khai thác 10 năm (từ năm 2005) giờ lại đi thanh kiểm tra dự án Núi Pháo”, ông Sơn nói.
![]() |
Không chỉ vạch ra nhiều bất cập trong lĩnh vực đầu tư khai thác khoáng sản, TS Nguyễn Thành Sơn còn cảnh báo: Chỉ 1-2 năm nữa ngành than ngắc ngoải vì không hề có đầu tư tái sản xuất mở rộng từ khi thành lập đến bây giờ. |
Ông Sơn cũng cho rằng, công tác quy hoạch trong khai thác khoáng sản cũng rất nhiều vấn đề bất cập.
“Quy hoạch thì rất nhiều, trong đó Bộ Công thương, Bộ Xây dựng làm nhiều quy hoạch liên quan đến khoáng sản, vài chục quy hoạch nhưng chất lượng cực kỳ thấp. Tôi được biết có những quy hoạch Thủ tướng chưa phê duyệt, các bộ ngành còn đang lấy ý kiến thì đã vỡ, đã phải hủy rồi”, ông Sơn thẳng thắn.
Cụ thể hơn, ông dẫn chứng “Quy hoạch than là quy hoạch lớn nhất trong lĩnh vực khoáng sản. Nhưng, từ ngày thành lập đến nay đã hơn 20 năm rồi mà Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn hoạt động duy nhất theo quy hoạch được phê duyệt từ năm 2003, sau đấy đều là ý kiến điều chỉnh nhưng không có một phê duyệt chính thức nào cả vì chất lượng quy hoạch rất kém”.
Cũng theo chuyên gia này thì bất cập còn đến từ việc thực hiện quy hoạch. Trong quy hoạch ngành than năm 2003 đã nói rất rõ là xuất khẩu than tối đa trong giai đoạn 2000 – 2005 là 5 triệu tấn. Thế mà TKV xuất gần 20 triệu tấn và nói rằng đó là đi trước kế hoạch 5 năm… không theo quy hoạch nào cả.
“Trong chênh lệch giữa khai của Hải quan Việt Nam với khai hải quan Trung Quốc thì Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm cao nhất lên tới 30 triệu tấn than. Xin thưa rằng số liệu của hải quan Trung Quốc là chính xác, bởi vì đơn vị nhập bên Trung Quốc được bù giá, được khuyến khích, nên họ nhập bao nhiêu khai thật bấy nhiêu. Ngược lại, ở Việt Nam đã có tình trạng ăn cắp than để xuất khẩu nên không ai khai cả”, ông Sơn “vạch mặt” bất cập.
Với một ngành đặc thù như ngành khai thác khoáng sản, ông Sơn cho rằng việc tái đầu tư sản xuất mở rộng hầu như không có, đặc biệt là ở doanh nghiệp nhà nước. Như ở TKV, từ lúc thành lập Tập đoàn thì việc tái mở rộng gần như không có.
“Trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong việc tái mở rộng, duy trì năng lực là hoàn toàn không có. Về mặt lý thuyết thì khá rõ ràng, nhưng trên thực tế chúng ta đã bỏ qua điều này. Cho nên ngành than bây giờ mới xuống dốc như vậy. Vì không hề có đầu tư tái sản xuất mở rộng từ khi thành lập Tập đoàn đến bây giờ. Chỉ 1-2 năm nữa là ngắc ngoải thôi, không tiếp tục phát triển được. Đó là một điểm cực kỳ bất cập”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Sơn cho hay, ở Việt Nam ngân hàng và khoáng sản đang sống ký sinh vào nhau. Ngân hàng chưa kinh doanh tiền trên hoạt động của các doanh nghiệp (DN) khoáng sản mà các DN cũng không sử dụng tiền của ngân hàng để làm đòn bẩy kinh tế, trên thực tế DN chỉ vay tiền ngân hàng để trói buộc ngân hàng vào để sau này có chết thì buộc ngân hàng phải “cứu”, do đó, ngân hàng không có khả năng để kinh doanh tiền trong khoáng sản.
“Đáng lẽ, DN khai thác khoáng sản phải được sở hữu tài nguyên thay vì phải mua lại tài nguyên của đất nước rồi thế chấp ngân hàng giống như đi mua nhà vay tiền ngân hàng nhưng ở đây các DN Việt Nam không được quyền sở hữu tài nguyên mà chỉ có quyền khai thác. Vì thế, không thể thế chấp quyền khai thác với ngân hàng được nên dựa vào ngân hàng chỉ là ký sinh mà thôi”, ông Sơn nói.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái cho rằng, khai thác khoáng sản của nước ta đang bị buông lỏng quản lý. Gần đây mở rộng ra cho tư nhân khai thác nhưng việc quản lý lỏng lẻo, không hiệu quả.
“Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp để cải cách DNNN nhưng DNNN lại là nguồn lực chính để đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Nếu cổ phần hóa các DNNN trong lĩnh vực khoáng sản thì việc bù đắp đóng thuế vào ngân sách nhà nước là rất khó khăn”, ông Thái cho biết.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tất cả tài nguyên khoáng sản là của quốc gia và phải quản lý theo luật thống nhất. Tiền thuế thu được phải thiết lập thành một quỹ để tái tạo về tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất Bộ TNMT cần đánh giá lại trữ lượng khoáng sản của Việt Nam hiện nay.