Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 32 tỷ USD sau 8 tháng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2021 ước đạt gần 3,4 tỷ USD; giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 7/2021.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, nhà máy chỉ hoạt động ở 30%-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do dịch bệnh.
Dù tháng 8, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm, nhưng do những tháng đầu năm tăng mạnh nên tính chung 8 tháng, nhiều nhóm sản phẩm vẫn có giá trị xuất khẩu tăng.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỷ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỷ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31,1%.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 9,3 tỷ USD (chiếm 29,1% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71,0% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương với các thành viên Tổ công tác Thị trường 3430 và 3476, lãnh đạo 4 tỉnh biên giới là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng, cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam diễn ra hôm 11/08, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, tổng kim ngạch xuất nhâp khẩu qua thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2021 là 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%.
“Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ ở mức tốt. Đó là kết quả từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ban, ngành và địa phương hai nước. Tôi tin tưởng, rằng tiềm năng giao thương giữa hai nước còn rất lớn, cả về chủng loại, sản lượng và doanh số”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Cũng tại buổi họp, các lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo tình hình lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trước tình hình đó, Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các địa phương khẩn trương giải quyết các vướng mắc để tránh ùn ứ nông sản trong và sau dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo thông báo từ ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT liên tục cập nhật thông tin từ phía Trung Quốc để tiếp nối đà tăng trưởng.
Từ bài học kinh nghiệm những năm trước, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị “xuống tận cơ sở, hướng dẫn trực tiếp”, đồng thời tăng cường “công tác kiểm tra, rà soát”. Bên cạnh đó, ông còn chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật giảm thiểu tối đa các quy trình kiểm dịch thực vật trong phạm vi cho phép. Với các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị tăng cường nhập khẩu chính ngạch, tuân thủ các yêu cầu từ phía doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc.
“Với truyền thống quan hệ hữu nghị giữa hai nước, rất mong các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, và Đại sứ quán Trung Quốc tập trung tháo gỡ những rào cản. Chúng ta cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Muốn làm được, không còn cách nào khác ngoài việc các bên liên tục giữ liên lạc và thông tin cho nhau”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cam kết, sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất nhập khẩu nông sản. "Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong điều kiện dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Được biết, hiện Việt Nam xuất khẩu 9 loại nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chuẩn bị hồ sơ cho 8 loại nông sản nữa để xuất khẩu chính ngạch, chỉ chờ dịch Covid-19 được kiểm soát để ký Nghị định thư với Trung Quốc.
Hiền Anh