Xử lý thế nào với lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường?
Ngày 23/12, Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, cơ quan Công an huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang điều tra, xử lý đối với Trương Ngọc Tài (SN: 1994, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển xe ô tô gây tai nạn rồi bỏ chạy khỏi hiện trường.
Theo đó, vào khoảng 19h35, ngày 17/12, Trạm CSGT Đức Phổ nhận được điện thoại trực ban của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi báo có vụ tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô 29H-856.33 và xe mô tô 92N1-269.21, khiến người điều khiển xe mô tô bị thương nặng. Sau khi tai nạn xảy ra lái xe đã bỏ chạy khỏi hiện trường.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Trạm CSGT Đức Phổ triển khai lực lượng để “đón lõng” sẵn sàng bắt giữ đối tượng. Đến 20h50 cùng ngày, lực lượng CSGT thuộc Trạm CSGT Đức Phổ đã dừng đựợc xe ô tô trên.
Qua đấu tranh lái xe khai nhận tên Trương Ngọc Tài điều khiển và cho biết, vào khoảng 18h30, ngày 17/12 , tại km 1007+200m QL1A thuộc xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành , tỉnh Quảng Nam lái xe Trương Ngọc Tài điều khiển xe ô tô biển số 29H-85633 đã va chạm với xe mô tô biển số 92N1-26921 do anh Lê Quốc Diện (SN: 1986, trú tại Núi Thành điều kiểm lưu hành hướng Đà Nẵng đi Quảng Ngãi.
Vụ tai nạn xảy ra khiến anh Diện bị thương nặng. Sau khi vụ tai nạn xảy ra lái xe Tài đã bỏ chạy khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, gây tai nạn giao thông không dừng lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Người bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc người và phương tiện gặp nạn sẽ bị phạt hành chính tới 18 triệu đồng và tước bằng lái xe có thời hạn hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm.
Thực tế cho thấy trong nhiều vụ va chạm, cách xử lý khi gây tai nạn giao thông vi phạm pháp luật, lợi dụng hiện trường lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại, người gây tai nạn đã bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm”.
Từ đó, luật sư Bình viện giải, theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất. Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất, bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua vị trí xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Chủ xe gây tai nạn có hành vi cố tình xóa dấu vết hiện trường để trốn tránh trách nhiệm và gây cản trở cho quá trình điều tra sẽ bị xử phạt theo mức phạt của người điều khiển xe gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường”.
Đó luật sư Bình nêu quan điểm: “Khi người gây tai nạn cần giữ bình tĩnh, kiểm tra bản thân và người đi cùng xem có bị thương không và gọi cứu thương để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của hai bên. Người tham gia giao thông phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ như không sử dụng điện thoại khi lái xe, tuân thủ chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi đúng làn đường,... Đồng thời, người lái cần cập nhật những sửa đổi, bổ sung mới nhất về Luật giao thông để hạn chế vi phạm.
Vì theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và cập nhật mới nhất tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi ngày 28.12.2021), quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Với hành vi của tài xế Trương Ngọc Tài thì người này đã vi phạm và có thể bị phạt hành chính từ 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng. Không chỉ vậy, việc gây tai nạn xong rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, tài xế Tài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm.
Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn”.
Qua vụ việc nêu trên, luật sư Bình khuyến cáo: “Để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ lái và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ”.
Hải Ngọc