Vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, giá vàng chính thức đạt đỉnh lịch sử
Giật mình giá vàng tăng hơn 3 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 ngày
Có thể nói, ngày 24/2 là ngày "lịch sử" của thị trường vàng, bởi chỉ trong vòng 1 ngày, giá vàng trong nước luôn điều chỉnh tăng chóng mặt, mỗi lượng vàng tăng hơn 3 triệu đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử giao dịch vàng từ trước tới nay.
Cụ thể, vào lúc 16h40' ngày 24/2, giá vàng SJC của VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 47,80 - 49,02 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Tại Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 47,70 - 49,15 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết ở mức 47,80 - 49,20 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Giá vàng của Phú Quý SJC giao ở ngưỡng 47,80 - 49,50 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra).
Tuy nhiên, trước đó, mở cửa phiên giao dịch sáng 24/2, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 46,35 – 46,87 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 46,20 - 46,70 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Tại DOJI Hà Nội, giá vàng được niêm yết ở mức 46,25 – 46,60 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra); Tại Phú Quý SJC, giá vàng niêm yết ở mức 46,25 – 46,75 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra).
Tính đến cuối ngày 24/2, giá vàng trong nước hiện đã chạm mốc 49 triệu đồng/lượng trong khi vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch sáng 24/2 giao ở mức 1.662,50 USD/ounce, và đến đầu giờ chiều 24/2, giá vàng thế giới tăng lên mức 1.680 USD/ounce, tăng 37,7 USD tương đương 2,3% so với chốt phiên thứ Sáu vừa qua. Tuy nhiên, giá vàng thế giới tính đến cuối ngày hôm qua (24/2) vẫn chưa đạt mốc 1.700 USD/ounce.
Mức giá trên quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank thì tương đương 47,5 triệu đồng/lượng, điều này có nghĩa là giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Nguyên nhân khiến vàng thế giới đi lên chủ yếu do hoạt động gom vào mạnh của nhà đầu tư trước lo ngại kinh tế toàn cầu bất ổn do dịch covid-19 lan rộng ra các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Italia.
Ở trong nước, trong vòng 1 năm qua giá vàng đã tăng tổng cộng 13 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 30%.
Trước đó, vào năm 2011 giá vàng trong nước đã từng tăng lên 49 triệu đồng/lượng nhưng vàng thế giới khi ấy vượt 1.900 USD/ounce.
Coi chừng vàng sốt ảo
Trong khi khoảng cách mua vào, bán ra trên thị trường vàng thế giới luôn luôn được điều chỉnh ở khoảng cách "rất gần", chỉ chênh chưa đến 10 USD/once, nhưng ở thị trương vàng trong nước, khoảng cách mua vào, bán ra được các doanh nghiệp điều chỉnh khá xa, hơn 1 triệu đồng/lượng.
Nói về giá vàng trong nước tăng vùn vụt hơn 3 triệu đồng mỗi lượng vào ngày hôm qua, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết ông cũng "giật mình vì giá vàng bị đẩy lên cao nhanh như vậy" và ông Trúc cho rằng giá vàng tăng bất thường như vậy chỉ là sốt giá "ảo".
Theo phân tích của ông Trúc, ngày 24/2, trong khi giá vàng thế giới chưa vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce mà mới chỉ tăng hơn 10 USD/once lên 1.680 USD/once, thế nhưng giá vàng trong nước lại đẩy lên đến tận 49 triệu đồng/lượng thì thật sự đây là giá ảo.
"Giá sốt ảo như vậy vì các doanh nghiệp sợ đêm nay thị trường Mỹ mở cửa trong bối cảnh chịu tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, căng thằng Mỹ- Iran và nhiều yếu tố khác. Khả năng tối nay, giá quốc tế có thể tăng ít nhưng ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp đón sóng và đẩy giá lên trước”, ông Trúc nhận định.
Cũng theo ông Trúc, hiện giá vàng thế giới thấp hơn giá trong nước khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng thế giới vượt đến 1.700 USD/once thì cũng chỉ tăng thêm 20 USD/ounce, mức này quy đổi ra tiền đồng chỉ tăng tương đương khoảng 500.000 đồng. Do đó, sẽ không có việc giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới và vượt qua mốc 50 triệu đồng/lượng. Nếu tăng vượt qua mốc 50 triệu đồng/lượng là do các doanh nghiệp trong nước tự đẩy giá lên.
Cũng nói về giá vàng trong nước vọt tăng bất thường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng.
Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/02/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ.
Cũng theo ông Minh, với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.