Vụ lừa đảo 1 tỷ đồng "chạy" tàu cát: Nữ nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức làm báo
Những phóng viên, nhà báo lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Ngày 23/3, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Thị Kiều Oanh, 47 tuổi, ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phạm Thị Kiều Oanh hiện là nhà báo, Phó trưởng ban, công tác tại một Đài Phát thanh - Truyền hình. Việc bắt Phạm Thị Kiều Oanh nằm trong kế hoạch mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do Ngô Văn Tới, 40 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, Tổng thư ký Tạp chí Văn Hiến Việt Nam cầm đầu.
Sau khi bắt Tới, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ đối tượng đồng phạm là Phạm Hùng, 50 tuổi, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, vụ việc diễn ra vào khoảng tháng 5/2021, bà Lê Thị H, 53 tuổi, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có một tàu cát bị lực lượng chức năng tạm giữ. Qua người quen giới thiệu, bà H. biết Tới. Tới giới thiệu với bà H. bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể lấy được tàu đang bị tạm giữ ra trước thời hạn.
Phạm Thị Kiều Oanh tại cơ quan công an. |
Do tin tưởng, bà H. đã đưa cho Tới 1 tỷ đồng để lấy tàu về. Sau khi nhận tiền, Tới đưa cho Oanh 500 triệu để Oanh giao cho Phạm Hùng lo vụ việc.
Từ mối quan hệ trên, Oanh giới thiệu Tới gặp Hùng. Sau đó, Tới đưa thêm cho Hùng 200 triệu để lo việc nhưng vẫn không “lo” được. Hùng yêu cầu phải chi 1,5 tỷ mới xin được tàu ra.
Tới quay lại trao đổi với bà H nhưng bà H. cho rằng đã thống nhất và đưa trọn gói cho Tới 1 tỷ đồng nên không đồng ý đưa thêm nữa.
Để mọi việc được thuận tiện, Oanh đã đưa thêm cho Hùng 50 triệu đồng tiền cá nhân của mình nhưng vẫn không xin được tàu cát của gia đình bà H. ra.
Đợi quá lâu nhưng không xin được tàu, bà H. đã nhiều lần liên hệ với Tới để đòi lại tiền nhưng Tới và Hùng không trả lại nên bà H. đã tố cáo tới cơ quan công an.
Trước vụ việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hai đối tượng Oanh và Tới ngoài vi phạm pháp luật hình sự thì đã vi phạm nghiêm trọng quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà báo được quy định trong Luật Báo chí năm 2021. Theo đó, mục 3, Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Như vậy, những nhà báo này đã vi phạm khoản c “lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật” và khoản e không “tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”.
Cụ thể hơn, tại điều 3 trong 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nêu rõ: Nhà báo, phóng viên phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.
Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan chức năng khởi tố bắt tạm giam phóng viên khi lợi dụng danh nghĩa nhà báo đề trục lợi cá nhân.
Trước đó, vào chiều 27/8/2021, Công an thị xã Từ Sơn đã bắt quả tang 2 phóng viên về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sự việc diễn ra vào khoảng đầu tháng 8/2021, Vũ Thị Oanh (29 tuổi, ở huyện Tiên Du, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật - tạp chí điện tử Người đưa tin pháp luật) sử dụng dịch vụ tại Viện thẩm mỹ MB (ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Bắc Ninh) và chụp lại những hình ảnh hoạt động không đảm bảo công tác phòng chống dịch tại cơ sở.
Sau đó, Oanh bàn với Nguyễn Thị Loan (33 tuổi, ở thị xã Từ Sơn, phóng viên tạp chí điện tử Kinh doanh và biên mậu Việt Nam) liên lạc với chủ Viện thẩm mỹ MB, yêu cầu đưa 40 triệu đồng để xóa những hình ảnh được chụp lại và không đưa lên mạng, không báo chính quyền địa phương.
Chủ Viện thẩm mỹ MB lo sợ bị phạt và ảnh hưởng đến hoạt động nên đã thương lượng đưa cho Vũ Thị Oanh và Nguyễn Thị Loan 25 triệu đồng.
Sau nhiều lần trao đổi, thay đổi địa điểm nhận tiền, Oanh và Loan hẹn gặp chủ Viện thẩm mỹ MB và đang nhận 25 triệu đồng tại quán cà phê Tùng Lâm, thị xã Từ Sơn, thì bị công an bắt quả tang.
Hy vọng những vụ việc trên đây sẽ là bài học đáng giá dành cho những phóng viên, nhà báo nào còn có tư tưởng lệch lạc, không tuân thủ Luật báo chí, đạo đức báo chí và không thượng tôn pháp luật.
N. Huyền