Vụ bắn tàu cá Việt Nam: “Trung Quốc cố chạy tội, nói lấy được”
Góp tiếng nói phản đối hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết- Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo điện tử Infonet.
![]() |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết, chủ trì chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông. |
Thưa ông, hành động bắn vào tàu cá Việt Nam khiến dư luận bất bình, càng bất bình hơn khi Trung Quốc tỏ thái độ ngang ngược, “bóp méo sự thật”. Là người chủ trì chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông, ông có suy nghĩ như thế nào?
Khi đọc, xem những hình ảnh tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc dùng bạo lực uy hiếp, lấy ngư cụ, lấy thành quả lao động, gây khó khăn... cảm nghĩ đầu tiên của tôi là khâm phục và biết ơn những người ngư dân. Họ đã dũng cảm bám biển, họ vừa làm ăn lương thiện trên chính ngư trường truyền thống cha ông để lại. Họ không xâm phạm đến ai. Đó là đạo lý. Vì vậy, hành vi cản trở, bắn vào họ là hành vi vô đạo. Đáng buồn thay, hành vi đó lại xuất phát từ chính quốc gia có nền văn hiến lâu đời, có những tuyên bố hòa bình...
Tôi nghĩ, một láng giềng thân thiện, một nền văn minh lâu đời, một chủ trương trỗi dậy hòa bình là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền của người khác. Một toan tính của nước lớn kèm theo bạo lực chỉ là đại họa cho nhân loại. Như vậy, càng phải cảnh giác và cảnh giác đi đôi với tạo cho mình sức mạnh nội tại để đối phó với những toan tính ấy.
Ông nghĩ sao khi Trung Quốc tìm cách chối bỏ sự thật hiển nhiên vụ việc, và có những lời lẽ không phù hợp với những tuyên bố của họ?
Việc ông Hồng Lỗi nói "chạy tội" cho việc làm của Trung Quốc là nói lấy được, bất chấp lương tri, bất chấp đạo lý, bất chấp lẽ phải. Họ đang sử dụng và thực hiện câu phương ngôn: “Lẽ phải trong tay kẻ có sức mạnh”. Nhưng lịch sử đã chứng minh tất cả, thế lực bạo quyền trước sau đều gánh chịu hậu quả. Tôi nhắc lại, Hồng Lỗi là người phát ngôn Trung Quốc, có nghĩa là lời nói của Hồng Lỗi là phát ngôn của chính phủ Trung Quốc.
Theo ông, trước tình huống, nói lấy được, nói chạy tội của Trung Quốc, chúng ta phải đối phó thế nào?
Phải nhìn nhận rõ ràng, cái cách làm chủ của Trung Quốc trên Biển Đông dùng vũ lực chiếm đóng trái phép, là dùng vũ lực tước đoạt trái phép chủ quyền của người khác chứ không phải thái độ hợp tác biết tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đối phó thế nào ư? Đó là vấn đề rất lớn của dân tộc. Đằng sau tôi là 2 câu thơ sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 500 năm trước: Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình (Vạn dặm biển Đông dang tay giữ/ Muôn năm cõi Việt vững thanh bình). Như vậy, từ 500 năm trước Trạng Trình đã chỉ ra điểm quan trọng của dân tộc đó là làm chủ vùng biển của chúng ta. Có làm chủ vùng biển của chúng ta, đất nước chúng ta mới thái bình.
![]() |
Ông Nguyễn Khắc Mai đang nâng niu câu sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Theo tôi, không thể chỉ có phản đối trên nguyên tắc mà phải có chiến lược chủ quyền biển đảo, xây dựng nền kinh tế biển hùng hậu, phát triển khoa học, văn hóa biển của Việt Nam.
Đối với vấn đề này, chúng ta phải làm cho rộng rãi dư luận nhân dân trong nước hiểu rõ, hiểu đúng bản chất sự việc. Lên án hành động phi pháp của Trung Quốc lên cộng đồng quốc tế.
Sau sự kiện trao công hàm, chúng ta nên mời họp báo quốc tế tại Lý Sơn, công bố bằng chứng, nhân chứng sự kiện này. Để cho nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế hiểu đâu là sai trái của Trung Quốc, đâu là đạo lý của Việt Nam.
Mặt khác, cần phải khích lệ, biết ơn ngư dân Việt Nam đã bám trụ vùng biển chủ quyền của chúng ta.
Điểm quan trọng, dân tộc ta phải tự cường, phải đoàn kết trong ngoài để vươn mình như Thánh Gióng mới có thể “đề kháng” được những tấn công bên ngoài.
![]() |
Bằng chứng tàu cá rất rõ ràng nhưng Trung Quốc "chối bay chối biến". Ảnh internet |
Được biết ông đang chủ trì Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông và chương trình này hướng nhiều đến ngư dân, sau sự kiện này, chương trình sẽ có ý tưởng gì?
Nhân nói đến việc biết ơn ngư dân, theo tôi phải có chính sách, chương trình hành động rộng lớn của cộng đồng, của xã hội, tiếp sức cho họ. Chúng tôi đang nghĩ và đang có ý định hình thành cuộc vận động “Đáp nghĩa ngư dân bị Trung Quốc xâm hại”.
Đầu tuần tới, chúng tôi sẽ tìm và trao đổi với các nhân vật có ảnh hưởng lớn trong xã hội để tính đến câu chuyện này. Nếu thành chủ trương, tôi mong báo chí, cộng đồng sẽ ủng hộ tuyên truyền để chương trình có ích cho đất nước được thực hiện.
Xin cảm ơn ông.