Vĩnh Phúc mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 22 sản phẩm được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Vĩnh Phúc. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng.
Theo quyết định số 385 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 22 sản phẩm được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP.
Nấm yến Phùng Gia là sản phẩm đạt 3 sao. (Ảnh: CTTĐT Vĩnh Phúc) |
Trong 22 sản phẩm, có 5 sản phẩm đạt 4 sao là các loại bột sữa gạo lứt sinh thái và mật ong gừng sả lần lượt của 2 chủ thể là Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (thành phố Phúc Yên) và Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (huyện Bình Xuyên).
17 sản phẩm đạt 3 sao của 9 chủ thể bao gồm: rượu nếp chất, rượu táo mèo Horse style, rượu chuối hột của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thắng (thành phố Phúc Yên); thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ Nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh (huyện Sông Lô); xúc xích và thịt lợn thảo quế của Hợp tác xã Chăn nuôi Bình Minh (huyện Lập Thạch); dưa chuột sạch của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, rượu cỏ đĩ của hộ kinh doanh Phạm Thị Hải Yến (huyện Tam Dương); nấm sò và đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, các loại sữa chua của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (huyện Tam Đảo); nấm yến Phùng Gia của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn nấm Phùng Gia, gạo ngon Phú Xuân của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý (huyện Bình Xuyên).
Kết quả công nhận các sản phẩm trên có giá trị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận.
Trước đó, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có 112 ý tưởng sản phẩm của 67 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, 65 chủ thể đã được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo quy định của chương trình. Kết quả, năm 2019, có 18 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt chất lượng 3 sao trở lên. Các sản phẩm này đã được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2020, dự kiến sẽ có thêm từ 20 – đến 25 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt chất lượng 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, chưa có nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực của các địa phương tham gia chương trình. Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số nguyên nhân chủ yếu được xác định là do các sản phẩm đặc trưng, truyền thống trên địa bàn tỉnh không nhiều; các sản phẩm làng nghề trên địa bàn phần lớn chưa phù hợp với quy định sản phẩm của chương trình; một số sản phẩm phù hợp thì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp.
Với mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giai đoạn 2021 – 2025, bên cạnh hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, truyền thống, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Phấn đấu toàn tỉnh phát triển mới từ 70 đến 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên, đầu tư nâng cấp để có từ 2 đến 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đồng thời, thông qua chương trình, phát triển mới từ 15 đến 20 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Năm 2021, để hoàn thành mục tiêu có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, Vĩnh Phúc tiếp tục xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trên cơ sở đó, chủ động khảo sát toàn bộ các sản phẩm, xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm... đáp ứng các tiêu chí của chương trình OCOP. Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, quản lý hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.
Thảo Nguyên