Vinaxuki, xe khách Phương Trang, Lilama 3... nợ hàng chục tỷ đồng BHXH
![]() |
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Luật BHXH có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.
Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN 552 tỷ đồng, nợ BHYT 3.466 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2017, một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty CP xe khách Phương Trang (TP.HCM) 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM) 20,9 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty CP Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; Công ty CP Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…
Số nợ BHXH qua các năm:
Năm 2011: 4.496 tỷ đồng, tỉ lệ bằng 6,73% so với số phải thu.
Năm 2012: 5.393 tỷ đồng, tỉ lệ 5,69%
Năm 2013: 6.257 tỷ đồng, tỉ lệ 5,77%
Năm 2014: 6.628 tỷ đồng, tỉ lệ 4,59%
Năm 2015: 7.061 tỷ đồng, tỉ lệ 4,71%
Năm 2016: 7.580 tỷ đồng, tỉ lệ 3,22% so với số phải thu BHXH.
Hiện nay, số liệu Tổng cục Thuế cung cấp có khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới có 235 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%.
Còn theo Bộ lao động- Thương binh và xã hội, toàn quốc có khoảng 15 triệu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên mới có 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc chiếm khoảng 86%.
Ông Ánh cung cấp thêm mức đóng BHXH bình quân của người lao động thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh năm 2017 khoảng 12,9 triệu đồng/năm tương ứng mức lương hằng tháng khoảng 3,4 triệu đồng/người/tháng.
Công tác thu nợ đã được BHXH chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh, TP ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp. Theo đó, hàng quý gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian nợ từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.
Ngoài ra, BHXH cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thực hiện các phóng sự, chuyên đề về nợ BHXH, BHYT nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia BHXH, BHYT.
Cũng theo ông Ánh tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi.