Vietnam Airlines cố gắng để trụ lại sàn HOSE
“Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để tránh hủy niêm yết”, đại diện Vietnam Airlines nói với báo chí hôm 14-9 về những phương án tìm lối ra cho hãng trong thời hậu Covid, khi bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN nếu không đáp ứng được các điều kiện “trụ” lại sàn HOSE.
Theo đại diện Vietnam Airlines, thị trường vận chuyển khách nội địa 8 tháng đầu năm đã cao hơn sản lượng vận chuyển hành khách nội địa cùng kỳ năm 2019 khoảng 18% nhưng thị trường vận chuyển khách quốc tế mới chỉ phục hồi chừng 18% cũng so với cùng kỳ năm 2019 (do rủi ro về chiến tranh, giá nhiên liệu quá cao và các thị trường khách quốc tế lớn như Trung Quốc, Đài Loan hay Nga đều hạn chế nhập cảnh). Do đó, doanh thu tăng thêm của tháng 8 không thể làm bớt đi các tác động tiêu cực kéo dài trước đó của các hãng hàng không do Covid gây ra 2 năm qua cùng các thua lỗ về biến động tỷ giá (đồng đô la Mỹ lên giá, các đồng tiền khác trong “rổ” ngoại tệ thu về mất giá ), chi phí nhiên liệu tăng thêm ước tính chừng 145-150 tỉ đồng cho cả năm 2022 và các thị trường khách quốc tế lớn chưa mở cửa.
Phía Vietnam Airlines cho biết, việc cạnh tranh gây thừa tải, giá vé nội địa bình quân hiện nay vẫn thấp hơn 11% so với bình quân năm 2019 và đội bay của hãng mới khai thác 75% công suất cũng là những nguyên nhân khiến tốc độ phục hồi doanh thu của hãng không thể cân bằng được với chi phí bỏ ra.
“Nếu các hãng hàng không chỉ kinh doanh vận tải thuần túy như chúng tôi thì đều thua lỗ. Các hãng khác trên thế giới cũng tương tự, ngoại trừ trường hợp tăng doanh thu, có lãi bằng cách áp dụng các biện pháp đặc biệt, các hình thức kinh doanh ngoài vận tải, tài chính và hoạt động tài chính khác (không thuyết minh cụ thể), hoạt động đầu tư khác (cũng không thuyết minh cụ thể) ”, vị đại diện đề nghị không nêu tên của hãng nói.
Hai năm 2020-2021, hãng bị lỗ lần lượt 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm nay ghi nhận lỗ ròng 5000 tỉ đồng và đến hết năm nay dự kiến lỗ tổng số 9335 tỉ đồng . Như vậy đến 2024, hãng mới cân bằng được tài chính nếu thị trường vận tải hàng không không có những biến động lớn.
Nhưng Luật chứng khoán không cho phép cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được trụ lại sàn HOSE nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hay âm vốn chủ sở hữu trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Phía Vietnam Airlines cho biết sẽ tính toán mọi phương án để làm thế nào không âm vốn chủ sở hữu vào cuối năm nay và trụ lại HOSE, tránh những tác động tiêu cực. Các biện pháp để có lãi trở lại, giảm lỗ lũy kế, bổ sung vốn chủ sở hữu và tái cơ cấu danh mục đầu tư đã được tính đến.