Việt Nam tham dự đàm phán nâng cấp hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng đại diện các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham gia đàm phán nâng cấp hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA.
Vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 28 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. AEM hẹp lần thứ 28 là cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế kể từ khi Campuchia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022 với chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức."
Các bên tham gia hội nghị tin tưởng việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ giúp tăng tốc phục hồi kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Việc nâng cấp ATIGA vốn được các nước thành viên ASEAN (AMS) triển khai từ năm 2010.
Hội nghị ASEAN đàm phán nâng cấp hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: asean.org) |
Việc khởi động đàm phán nâng cấp ATIGA được đánh giá kịp thời trong bối cảnh khu vực đang trên đà phục hồi hậu đại dịch Covid-19, vừa quan trọng sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1 năm nay.
Các bên tham gia nhận định việc nâng cấp ATIGA nhằm đảm bảo ASEAN vẫn thích hợp, hiện đại, hướng tới tương lai và phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến trong khu vực và toàn cầu, đồng thời có thể góp phần tăng hiệu quả khai thác ATIGA của các doanh nghiệp nhằm hưởng lợi từ hội nhập khu vực.
Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh “việc nâng cấp hiệp định ATIGA sẽ làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế ASEAN, nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một thị trường và trung tâm sản xuất duy nhất, cũng như sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một trung tâm sản xuất và đầu tư ưa thích nhất".
Hội nghị nhất trí về nguyên tắc gia hạn hiệu lực của Bản ghi nhớ (MoU) về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với các loại hàng hóa thiết yếu theo Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 tới ngày 13/11/2024, cũng như mở rộng danh sách các mặt hàng thiết yếu.
Điều này nhấn mạnh quyết tâm của AMS trong việc tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
AMS sẽ tiếp tục làm việc để xác định các sản phẩm tiềm năng được coi là hàng hóa thiết yếu nhằm đệ trình thông qua danh sách mở rộng tại Hội nghị AEM lần thứ 54 vào tháng Chín tới.
Hội nghị cũng thông qua 19 nội dung kinh tế ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Campuchia năm 2022 trong 4 lĩnh vực chiến lược gồm tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học và công nghệ; thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ASEAN; thúc đẩy một ASEAN hội nhập, bao trùm, thích ứng và cạnh tranh hơn; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển chung của ASEAN.
Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2022 trong kênh kinh tế bao gồm 151 nội dung khác nhau, thuộc các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…
Ngoài các nội dung thảo luận về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng cũng thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế ngoại khối như việc xây dựng Chiến lược hợp tác ngoại khối của ASEAN với các đối tác đối thoại và các đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.
Tại hội nghị, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng và đa dạng hóa đối với ASEAN nhằm ứng phó với những thách thức không lường trước trong tương lai, duy trì phát triển kinh tế bền vững.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị các nước ASEAN thống nhất cách tiếp cận thực tế trong đàm phán nâng cấp ATIGA nhằm đem lại giá trị gia tăng thực sự cho doanh nghiệp các nước ASEAN.
Minh Thu