Việt Nam nhập siêu 32,3 tỷ USD từ Trung Quốc
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam nhập siêu 3,2 tỷ USD sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Năm 2012, xuất siêu 748,8 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 0,3 triệu USD; năm 2014 xuất siêu gần 2,4 tỷ USD.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc ước tính nhập siêu tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước. Đồng thời, thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 chúng ta cũng nhập siêu hơn 300 triệu USD.
Năm 2015, Việt Nam nhập siêu 3,2 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Cụ thể về kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước tính đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao so với năm trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, vải, nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép, điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại. Đặc biệt là ô tô tăng 59%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 87,7%.
Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu; tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 16,7%; ASEAN chiếm 14,4%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước tính đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU chiếm 19%...
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 884,8 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 657 nghìn tỷ đồng, bằng 102,9%; thu từ dầu thô 62,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 160 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 1064,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 162 nghìn tỷ đồng; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỷ đồng; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9%.