Vì sao trẻ béo phì, viêm amidan hay gặp ngừng thở khi ngủ?
Chứng kiến con nhiều lần ngưng thở lúc nửa đêm, ho sặc sụa, giật mình chị Hà hoảng sợ và đã tìm tới bác sĩ để khám.
Bé Nguyễn Cao S. 5 tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội thường xuyên bị khó thở. Đặc biệt khoảng 1 năm nay bé có hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Chị Hà, mẹ của bé S. cho biết chị quan sát con ngủ thấy nhiều lần bé ngáy to sau đó lại ngưng lại khoảng 20 – 30 giây không thở. Nhịp thở của bé không ổn định. Chị quan sát rất nhiều lần đêm con ngủ ngáy, khó ngủ, giấc ngủ không sâu, ăn được nhưng khó nuốt.
Khi nội soi tai mũi họng cho bé, bác sĩ cho biết bé bị VA quá phát gây nên hiện tượng ngáy to và ngừng thở khi ngủ, thiếu oxy não khi ngủ.
Hay như bé Nguyễn Quốc H. 6 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội cũng tương tự. Mẹ của bé H. cho biết con trai chị thường xuyên ngáy ngủ, bé nói bằng giọng mũi. Gần đây, chị thấy con hay khó ngủ, trong giấc ngủ xuất hiện hiện tượng ngưng thở 15 – 20 giây. Khi đưa con đến khám bác sĩ cho biết bé ngoài béo phì còn thêm hiện tượng viêm amidan.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bv Đa khoa An Việt, ngưng thở khi ngủ không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có hiện tượng này.
PGS An tư vấn cho phụ huynh học sinh. |
PGS An cho biết ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn tạm thời đường hô hấp trên trong lúc ngủ, dẫn đến giảm trao đổi khí và rối loạn giấc ngủ của trẻ. Hay xảy ra ở những trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp, ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến học tập, hành vi, bệnh lý tim mạch và chậm phát triển ở trẻ em. Do thiếu oxy não nên trẻ có thể hay bị quên, không tập trung vào việc học. Đặc biệt, người ta cũng ghi nhận trẻ ngừng thở khi ngủ có thể gây ra đột tử ở trẻ lúc đang ngủ.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng ngừng thở khi ngủ, theo PGS An ở trẻ nhỏ đa phần là do quá phát VA/Amidan. Đây là tình trạng viêm amidan cấp tính, tái phát nhiều lần. Nguyên nhân thứ hai đó là trẻ nhỏ bị béo phì là 2 yếu tố nguy cơ hàng đầu của chứng ngưng thở khi ngủ.
Quá phát VA/Amidan có liên quan đến yếu tố di truyền, nhiễm trùng, phản ứng viêm tại chỗ. Kích thước của amidan hay VA lớn làm hẹp đường thở sẽ dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ cho dù mức độ quá phát chỉ là độ I. Phương pháp đánh giá độ lớn của VA tốt nhất là dùng máy nội soi.
Còn trường hợp béo phì gây ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay ở nam giới và đặc biệt nhóm có nguy cơ cao nhất ở độ tuổi thiếu niên (6-16 tuổi).
Ngoài ra, hiện tượng ngưng thở khi ngủ còn do một số yếu tố nguy cơ khác như: tình trạng sức khỏe, thần kinh, hệ xương đặc biệt vùng xương hàm mặt, trẻ mắc các bệnh lý bệnh bẩm sinh như bại não, loạn dưỡng cơ.
PGS An cho biết về ban đêm, cha mẹ nên chú ý giấc ngủ của con. Nếu trẻ ngáy to, thở bằng miệng, ho hay bị thức giấc, mồ hôi trộm có thể quan sát đếm nhịp thở của trẻ sẽ thấy trẻ có hiện tượng ngưng thở.
Vì ban đêm trẻ ngủ không ngon nên ban ngày trẻ thường có các triệu chứng khác như hay ngáp, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật ban ngày. Đặc biệt ba mẹ cần lưu ý hơn khi trẻ có biểu hiện giảm tập trung, học sa sút, hiếu động thái quá, bốc đồng, nổi loạn, hung hăng, khó kiểm soát cảm xúc.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hình ảnh của não bộ cho thấy ở trẻ em không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ nặng cho thấy bằng chứng về tổn thương ở những vùng của não đảm nhiệm việc học tập, trí nhớ và suy nghĩ phức tạp. Chỉ số IQ trung bình trong số những trẻ bị chứng ngưng thở khi ngủ trong phạm vi dưới mức bình thường và thấp hơn so với trẻ không mắc bệnh. Trẻ mắc bệnh cũng đạt điểm thấp hơn trong những bài kiểm tra khác.
Khi điều trị, bác sĩ sẽ tuỳ vào các nguyên nhân. Ví dụ như trẻ bị béo phì phải giảm cân, trẻ bị quá phát VA có thể tiến hành nạo VA, cắt amidan… Tuỳ thuộc vào kết quả nội soi tai mũi họng và các đánh giá mức độ của bác sĩ để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
Khánh Chi