Vai trò của DOC đối với tình hình Biển Đông?
Trả lời:
Theo sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam", xin trả lời bạn như sau:
Có thể thấy việc ký kết Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc là kết quả của nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Việc ký kết văn kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN về các vấn đề trên biển.
Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc luôn đánh giá cao ý nghĩa của DOC và nhiều lần khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới COC. Tuyên bố chung của các nguyên thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc (Ba-li, In-đô-nê-xi-a ngày 08/10/2003) đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 (tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10/2010), các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc một lần nữa khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
![]() |
Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13, chiều 29-10 (Ảnh Báo Quân đội Nhân dân) |
Vai trò của DOC và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các cam kết theo DOC cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điểm 13 của Tuyên bố của Chủ tịch ARF 17 tại Hà Nội nêu rõ “Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của DOC như là một văn kiện lịch sử giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể nhằm đảm bảo các giải pháp hoà bình cho các tranh chấp trong khu vực. Các Bộ trưởng nhấn mạnh hiệu quả của DOC trong việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và sẽ giúp cho việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Các Bộ trưởng khuyến khích các nỗ lực theo hướng thực hiện đầy đủ DOC và cuối cùng tiến tới COC”.
Nhằm triển khai DOC đầy đủ và hiệu quả, Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC đã được thông qua tại Cuộc họp SOM ASEAN - Trung Quốc ngày 20/7/2011 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.
Quy tắc hướng dẫn bao gồm 8 điểm với các nội dung chính quy định việc triển khai DOC phải được tiến hành từng bước theo trình tự của các điều khoản của DOC; triển khai các hoạt động của các dự án của DOC cần được xác định rõ (về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải và thông tin liên lạc trên biển, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, và chống tội phạm xuyên quốc gia bao gồm buôn lậu ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển và vận chuyển vũ khí trái phép); và việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án trên tinh thần tự nguyện và các hoạt động ban đầu theo tinh thần của DOC được coi là các biện pháp xây dựng lòng tin…
Ý nghĩa của việc thông qua Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC là việc thực hiện DOC không chỉ là triển khai các dự án mà phải thực hiện đầy đủ các quy định khác theo trình tự, đó là tôn trọng quyền tự do hàng hải, bay qua Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị giữa các bên tranh chấp trực tiếp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Luật Biển năm 1982; cam kết tự kiềm chế, không làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định…