Uỷ ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi
Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có ý kiến tham gia thẩm tra bằng văn bản.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào “Danh sách Xám” và thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Về hồ sơ dự án Luật và bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, hồ sơ dự án Luật còn có thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích.
Bố cục của dự thảo Luật gồm 4 chương, 65 Điều, được thể hiện tương đối rõ ràng, dễ hiểu và toàn diện các nội dung. Dự thảo Luật cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành có liên quan.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị, đối với những điều, khoản trong dự thảo Luật giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết hoặc hướng dẫn triển khai, cần tiếp tục rà soát, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các dự thảo Nghị định và các văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc thiết kế 01 chương riêng về “Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền” như được thể hiện tại Luật hiện hành vì đây là hoạt động quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hiện tại quy định về hoạt động này đang nằm rải rác tại các chương của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm 01 điều quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc phòng, chống rửa tiền, hiện đang quy định rải rác tại nội dung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ, ngành.
Về sự phù hợp của dự thảo Luật với Hiến pháp, các luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật với các luật có liên quan, như tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác/bên thứ ba, lưu trữ thông tin tại Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tuân Nguyễn