Từ vụ ngộ độc bánh mì Liên Hoa, Lâm Đồng siết chặt an toàn thực phẩm
UBND tỉnh Lâm Đông đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tình trạng một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, một số tổ chức cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm song vẫn hoạt động gây nguy cơ rất lớn mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Đặc biệt trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thương hiệu Liên Hoa (số 9, đường Trần Phú và số 165, đường Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt) làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng....
Trước tình hình trên, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, không để các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu hành trên thị trường.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm, đột xuất, giải quyết các sự cố mất an toàn thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm; kịp thời ngăn chặn, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo.
Vụ ngộ độc bánh mì Liên Hoa khiến hơn 140 người phải nhập viện. |
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng tăng cường thời lượng tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; chú trọng truyên thông để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu không bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh đường phố.
UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan Nhà nước cấp dưới; kiểm soát tốt các hoạt động từ thiện, nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Liên quan tới vụ việc ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bánh mì Liên Hoa khiến 144 người phải nhập viện, UBND TP Đà Lạt đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Liên Hoa - Cửa hàng sản xuất kinh doanh (địa chỉ: Số 7 Nguyễn Văn Cừ, Phường 1, TP Đà Lạt) có hành vi vi phạm hành chính do sử dụng dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy căn cứ theo quy định tại: Điểm e, Khoản 2, Điều 15, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ. UBND TP Đà Lạt yêu cầu chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa điểm nêu trên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này.
Theo UBND TP Đà Lạt, trong 3 tháng đầu năm 2022, thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội mùa Xuân 2022, cơ quan chức năng đã kiểm tra 35 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở với số tiền 51,5 triệu đồng; kiểm tra xử lý các trường hợp phản ánh trên hệ thống trực tuyến của người dân và du khách. Đồng thời, thẩm định 68 cơ sở và cấp 62 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đúng quy trình và thời gian quy định, không có hồ sơ trễ hạn, gắn công tác thẩm định cơ sở đảm bảo an toàn vệ thực phẩm với công tác kiểm tra, nhắc nhở phòng, chống dịch Covid-19.
K.Chi
Vì sao học sinh ăn cánh gà rán lại ngộ độc?
Vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào?
Salmonella nhiễm vào thực phẩm như thế nào?
Nghiện món vạn người mê, cụ bà bị kén sán ken đặc khắp cơ thể
Hà Nội tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phòng chống thuốc giả
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cách chọn bánh trung thu an toàn
Chống thuốc và thực phẩm chức năng giả, cần sự đồng hành của người tiêu dùng
Mỳ xốt tôm chua cay bị Đài Loan trả lại để tiêu huỷ, chất Ethylene Oxide độc hại ra sao?
Mua mỹ phẩm ở chợ, bệnh nhân nhập viện cầu cứu bác sĩ
Theo các bác sĩ da liễu nhiều người tin tưởng lời quảng cáo mua mỹ phẩm về dùng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ra thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani của Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam.