Từ nạn nhân thành tội phạm mua bán người rất nhanh, cách nào phòng ngừa?
Chỉ hỗ trợ trong thời gian ở trong cơ sở bảo trợ xã hội
Trong năm qua, tình hình hoạt động mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook); cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài…
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tính từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ buôn bán người, bắt giữ được gần 1.700 đối tượng đã lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trong tổng số 40 vụ mua bán người trên toàn quốc, số vụ mua bán người được phát hiện, điều tra liên quan đến địa bàn Campuchia chiếm 17,5%. Các vụ việc tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia được phát hiện tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Đắk Lắk, Lào Cai, Thanh Hóa, Nam Định, Gia Lai… Đến nay, đã có 183 công dân được giải cứu hoặc tự trở về từ Campuchia.
Theo quy định, nạn nhân mua bán người được ở trong cơ sở bảo trợ xã hội (không quá 3 tháng), và được nhận trợ cấp hàng tháng, quần áo theo mùa và vật dụng cần thiết khác (như chăn, màn, chiếu, quần áo lót, khăn mặt, giày dép, thuốc chữa bệnh thông thường, băng vệ sinh…).
Trong thời gian ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, nạn nhân sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đồng thời nạn nhân cũng sẽ có cán bộ hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu cảm thấy hoảng sợ, buồn, lo lắng.
Nếu nạn nhân không muốn ở lại các cơ sở bảo trợ xã hội, sẽ được hỗ trợ tiền xe trở về nhà, và tiền ăn đi đường ít nhất là 70.000 đồng một người cho một ngày đi đường.
Ngoài ra, vẫn theo quy định nạn nhân mua bán người cũng được hỗ trợ học văn hóa, học nghề (nạn nhân của mua bán người được miễn hoặc giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn). Hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú là 1.000.000 đồng/người. Có thể đề nghị xin vay vốn tại ngân hàng chính sách của nhà nước.
Thiếu quy định về dịch vụ hỗ trợ nạn nhân
Trao đổi với phóng viên Infonet, bà Hoàng Bích Ngọc, điều phối viên dự án Em Vui – “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” - được triển khai thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) & tổ chức Plan International Việt Nam cho rằng, vẫn còn những “khoảng trống” chưa được “lấp đầy” trong Luật nhằm hỗ trợ nạn nhân đặc biệt đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Cụ thể, theo quy định tại điều 34, điều 35 của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, y tế cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Trong khi đó, nạn nhân của mua bán người có thể mang trạng thái tâm lý bất ổn kéo dài, như sợ hãi, mặc cảm, hoang tưởng, dẫn đến trầm cảm, không hòa nhập được
Đặc biệt, đối với những nạn nhân bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục thì tình trạng sức khỏe gặp nhiều khó khăn, nhiều nạn nhân bị bỏ đói, đánh đập, mất nhiều thời gian mới chạy thoát được để trở về.
“Do vậy đối với những nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú, không có nguyện vọng tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, thì nên có quy định về hỗ trợ tâm lý (tham vấn, tư vấn tâm lý) và y tế (khám bệnh, chữa bệnh, hồi phục sức khỏe) cho họ tại địa phương nơi họ sinh sống để giúp họ sớm vượt qua, tái hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, khi đa số nạn nhân của mua bán người theo thống kê hiện nay là phụ nữ và trẻ em, vấn đề tâm lý và sức khỏe hết sức quan trọng, nên chú trọng mở rộng phạm vi hỗ trợ đặc biệt cho nhóm đối tượng này”, bà Hoàng Bích Ngọc kiến nghị.
Dẫn chứng thêm bà Ngọc cho biết, nhiều trường hợp nạn nhân mua bán trở về, vì những lợi ích vật chất cám dỗ, thông thạo thủ đoạn, đường đi của đối tượng phạm tội và bị những người trong đường dây mua bán người lôi kéo, họ đã tiếp tay, tham gia vào những đường dây này.
“Từ nạn nhân chuyển thành người phạm tội rất nhanh. Nên việc hỗ trợ nạn nhân không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn có tác dụng ngăn chặn kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn phạm tội”, bà Ngọc cảnh báo.
Một vấn đề khác cũng được bà Ngọc đặt ra đó là cả nước hiện có 94 trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm dịch vụ xã hội, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành quản lý nhưng không có một trung tâm nào riêng biệt cung cấp dịch vụ cho nạn nhân của mua bán người là trẻ em, thanh niên.
Theo đó, dù Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trung tâm bảo trợ xã hội nhưng với nhiều đối tượng khác nhau, chưa phân loại được các nạn nhân để có thể hỗ trợ họ một cách toàn diện.
Thâm chí, qua quá trình khảo sát thực tế, bà Ngọc nhận thấy trong quá trình tiếp nhận nạn nhân tại đồn Biên phòng, công an, chưa có cán bộ phụ trách can thiệp tâm lý ngay cho nạn nhân trong giai đoạn này. Trong khi đó, trong quá trình ban đầu tiếp nhận hầu hết nạn nhân vừa trình báo thường có tâm lý hoảng loạn, sợ hãi. Thế nhưng, lại chưa có quy định về bố trí cán bộ nữ tham gia trong những trường hợp nhạy cảm đối với nạn nhân là nữ, trẻ em gái, thanh niên, nhất là ở giai đoạn lấy lời khai ban đầu. Đây là những tồn tại mà bà Ngọc cho rằng nạn nhân mua bán người vẫn còn những e ngại, lo lắng nhất định.
N. Huyền