Tư lệnh ngành nông nghiệp Đắk Nông: Thận trọng với cây mắc ca
Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông |
Thưa ông, sau vài năm trồng thử nghiệm, ông có đánh giá gì về mức độ thích nghi của cây mắc ca tại Đắk Nông?
Ông Lê Trọng Yên: Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng như Sở NN&PTNT, cây mắc ca có nhiều đặc tính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại một số vùng của tỉnh Đắk Nông. Điển hình như các xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So (huyện Tuy Đức) và một số xã tại huyện Đắk Song, huyện Đắk G’long, nơi có độ cao hơn 600m so với mực nước biển. Hiện những diện tích mắc ca tại Đắk Nông đang phát triển đồng đều, chưa bị sâu bệnh.
Ông có đánh giá gì về những hiệu quả mà cây mắc ca đang mang lại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông?
Ông Lê Trọng Yên: Mắc ca đang mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường cho Đắk Nông. Xét về mặt kinh tế, hiện giá hạt mắc ca tươi trên địa bàn tỉnh giao động từ 70-100 ngàn/kg. Nếu qua sơ chế, hạt mắc ca khô có giá khoảng 300 ngàn/kg. Hiện các diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình kiến thiết, chưa cho thu hoạch chính thức nên chúng tôi chưa đánh giá chính xác năng suất bình quân của cây mắc ca. Dù vậy, rõ ràng loài cây này có giá trị về kinh tế, phù hợp với tập quán canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, ít tốn công sức, giúp các hộ gia đình cải thiện thu nhập đáng kể.
Về môi trường, mắc ca là cây lâm nghiệp á nhiệt đới, thân gỗ, có tuổi đời trung bình từ 70-100 năm, với chiều cao khoảng 20-25m, đường kính thân khoảng 1,5-2m, tán rộng khoảng 10-15m. Mắc ca có sức chịu đựng rất tốt, ngay cả những vùng đất bị nhiễm bô-xít nặng như xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức), các loài cây khác khó phát triển thì mắc ca vẫn xanh tốt, phát triển bình thường. Với các đặc tính trên, ngoài việc mang lại thu nhập cho bà con nông dân, mắc ca còn giúp cải tạo đất trống, phủ xanh đồi núi trọc một cách hiệu quả.
Trong quá trình trồng thử nghiệm mắc ca, ông có đánh giá gì về những hạn chế của loài cây này trên địa bàn?
Ông Lê Trọng Yên: Như tôi đã nói ở trên, hiện mắc ca tại Đắk Nông đang trong giai đoạn kiến thiết, chưa cho thu hoạch chính thức nên chưa thể đánh giá cụ thể, chính xác về chất lượng các loại giống.
Trong số khoảng 800 ha mắc ca tại Đắk Nông, có khoảng 10 loại giống khác nhau.
Trong đó, có hiện tượng một số vườn cho ra trái bói ít, tỷ lệ đậu trái thấp. Đây cũng là trăn trở của chúng tôi vì chưa có giải đáp chính xác cho bà con.
Bên cạnh đó, mắc ca có sức chịu đựng tốt nhưng chỉ mang lại hiệu quả khi trồng ở những vùng đất có độ cao hơn 600m so với mực nước biển. Như vậy, không phải chỗ nào cũng trồng loài cây này được.
Ngoài ra, đây là loài cây lưỡng tính, thụ phấn chéo. Do đó, mỗi vườn thường phải trồng từ 2-3 loại giống khác nhau mới mang lại hiệu quả.
Theo ông, có nên tiếp tục phát triển diện tích trồng mắc ca hay không? Nếu có thì cần phát triển theo hướng nào để mang tính bền vững?
Ông Lê Trong Yên: Theo tôi thì chưa nên. Dù cây mắc ca mang lại hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường nhưng bà con cũng phải hết sức cận trọng. Hiện nguồn cung mắc ca không đủ cầu. Tuy nhiên, nếu trồng đại trà thì sẽ vỡ quy hoạch và tiềm ẩn những rủi ro về kinh tế. Tôi nghĩ bà con nên trồng xen canh mắc ca với cà phê hoặc hồ tiêu, bơ…là thích hợp nhất.
Đặc biệt, trước khi muốn trồng mắc ca, bà con phải tìm hiểu kĩ chất lượng các loại giống, quan sát thực tế ở những vườn đã cho thu bói và chỉ mua giống ở những nơi uy tín như Viện Eakmat (Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hoặc những cơ sở cây giống được chính quyền địa phương hướng dẫn. Bà con không nên tự sang chiết cành, ươm giống mắc ca rồi trồng để tránh mất năng suất, không đạt hiệu quả.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hữu ích đối với bà con nông dân về cây mắc ca.