Trường Lômônôxốp xử lý 69 học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử len lỏi khắp nơi, kể cả trong môi trường học đường. Không khó để bắt gặp hình ảnh thanh, thiếu niên, học sinh hút thuốc lá ở trường học hay những nơi công cộng.
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bày tỏ lo ngại trước làn sóng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xâm nhập vào trường học, Trường THCS và THPT Lômônôxốp cũng đang đương đầu với nhiều thách thức. Tính từ tháng 9/2020 đến nay, trường phát hiện, giáo dục và xử lý 69 học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo phân tích, 5 học sinh của khối 6, 7 sử dụng thuốc lá điện tử vì tò mò, thử xem thế nào khi bị rủ rê, lôi kéo; từ khối 8 trở lên đến khối 12 có quá nửa số em là mua sử dụng (hoặc góp tiền mua chung), số ít cá biệt là bán cho bạn bè cùng sử dụng.
“Ở khối THPT, hiện tượng hút thuốc lá có cả ở học sinh nữ và hay gặp ở trường hợp gia đình các em có bất hòa hoặc tình trạng hôn nhân đổ vỡ. Các em thường hút bên ngoài nhà trường nên không dễ phát hiện...
Thực tế, thuốc lá điện tử được ví như “cạm bẫy hương vị” khi đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ với những dụng cụ bắt mắt nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không tính đến những tác hại”, thầy Nguyễn Quang Tùng cho hay.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học |
Được biết huốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút giới trẻ. Những loại này thiết kế theo hình thức có bộ phận sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy thích. Đây là nguyên nhân khiến một số thành phần biến tướng, trộn ma túy vào sử dụng. Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotine và nhiều chất gây hại cho cơ thể.
Đáng lo ngại, qua các hình thức quảng cáo phổ biến, hấp dẫn tràn ngập trên mạng xã hội, chỉ với 120.000 - 150.000 đồng, học sinh dễ dàng sở hữu một “phiên bản” thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện.
Ở lứa tuổi học sinh, do đặc thù tâm lý chưa vững vàng nên các em dễ bị bạn bè lôi kéo, hoặc do hoàn cảnh gia đình dẫn đến việc hút thuốc. Cùng với đó, do các em có thể dễ dàng mua được thuốc lá; gia đình, nhà trường quản lý còn lỏng lẻo, chưa quan tâm đúng mức và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nhưng, tập hút thì rất dễ, để bỏ thuốc lá không hề đơn giản. Việc hút thuốc lá, ngoài gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, còn làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ.
Hiện nay, ở các trường học đều nghiêm cấm việc học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường. Cùng với đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã được triển khai, nên nhiều hoạt động ở nhà trường được thường xuyên tổ chức như sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp… giúp các em hiểu được tác hại của thuốc lá và đã đạt một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, gia đình - nhà trường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ở nhà trường, cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt hướng đến những hình ảnh về lối sống lành mạnh và tích cực thu hút các em tham gia. Trong đó, chú trọng các giải pháp để ngăn chặn và có hình thức xử lý phù hợp, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở giáo dục không khói thuốc.
Cùng với đó là thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại các đơn vị cơ sở. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực thi các quy định của pháp luật về trưng bày, bán thuốc lá, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, tài trợ... theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trong đơn vị, trường học và khu vực xung quanh đơn vị, trường học.
Trường hợp có cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh vi phạm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá phải nghiêm túc xử lý theo quy định của Ngành và của đơn vị. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong khi đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và thường xuyên quan tâm, quản lý về sinh hoạt hàng ngày của các em, đặc biệt các mối quan hệ bạn bè; và cần làm gương để các em noi theo. Khi ý thức và nhận thức được nâng lên, thì các em sẽ nói không với thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình, giảm gánh nặng bệnh tật, kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Hoàng Thanh