Trung Quốc nói xua đuổi tàu khu trục ở Biển Đông, hải quân Mỹ phủ nhận
Trung Quốc tuyên bố điều động lực lượng xua đuổi tàu khu trục Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông, nhưng hải quân Mỹ đã phủ nhận thông tin này.
Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ đổ bộ “khủng” có thể triển khai ra Biển Đông
Thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 của Trung Quốc với phạm vi hoạt động bao phủ cả Biển Đông, đang có mặt tại tỉnh Hồ Bắc để lần đầu tiên bay thử trên biển.
Hôm 28/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của hải quân đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau đó, Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc tàu khu trục USS Barry “trái phép xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa”. Chiến khu miền Nam còn điều động lực lượng tuần tra trên không và trên biển để “theo dõi, giám sát, nhận diện và xua đuổi tàu chiến Mỹ”.
Tàu khu trục USS Barry của hải quân Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 22/4. (Ảnh: US Navy) |
Trước đó, tàu USS Barry đã di chuyển qua eo biển Đài Loan 2 lần trong tháng Tư. Lần gần nhất là vào ngày 22/4, tàu khu trục USS Barry đã di chuyển qua eo biển Đài Loan trước khi tới Biển Đông. Một ngày sau, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng đi qua eo biển Đài Loan.
“Những hành động khiêu khích từ phía Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng rủi ro an ninh cho khu vực và có thể dễ dàng tạo ra va chạm bất ngờ. Những hành động như vậy không phù hợp với diễn biến gần đây khi mà cả thế giới đang tập trung chiến đấu với dịch bệnh, cũng như vì nền hòa bình và an ninh khu vực”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu miền Nam, ông Li Huamin.
Trong khi đó, theo USNI News, các quan chức hải quân Mỹ xác nhận, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã tiến hành một hoạt động tuần tra tự do hàng hải trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, một quan chức hải quân Mỹ khẳng định, hoạt động của tàu chiến Mỹ vẫn được tiến hành theo kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ phía máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.
Trước đó, tàu khu trục USS Barry đã tham gia đợt tập trận chung ở Biển Đông với tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA-6) và tàu tuần dương HMAS Parramatta của Australia.
Hồi tháng Một, phát ngôn viên Li cũng từng cáo buộc Mỹ “khiêu khích có chủ ý” trong giai đoạn Tết nguyên đán, sau khi tàu tấn công ven bờ USS Montgomery di chuyển qua khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây do hai bên liên tiếp "lời qua tiếng lại" về đại dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Trung Quốc đã không thành thật chia sẻ thông tin về dịch bệnh, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington phủ nhận những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, quân đội Mỹ và Trung Quốc thường xuyên cho tăng cường sự hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông.
Minh Thu (lược dịch)