Tàu sân bay Trung Quốc bất thình lình xuất hiện, Đài Loan điều chiến hạm bám theo
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), sự việc xảy ra vào đêm ngày 11/4. Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được nhìn thấy di chuyển qua eo biển Miyako gần Okinawa và sau đó hướng về phía nam.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Mặc dù vị trí chính xác mà nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đi tới không được hé lộ, nhưng hải quân Đài Loan đã cho điều động các tàu từ cảng Suao ở phía đông bắc đi theo giám sát nhóm tàu Trung Quốc.
“Chúng tôi đã tiến hành hoạt động giám sát và trinh sát trên vùng biển và trên không quanh đảo Đài Loan”, phát ngôn viên Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, ông Shih Shun-wen nói.
Hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào đêm ngày 11/4 có sự hộ tống của hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D là Xining và Guiyang, cùng hai tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A là Zaozhuang và Rizhao, cũng như một tàu hỗ trợ chiến đấu Type 901 có tên Hulunhu.
Hiện Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, sau khitàu sân bay USS Theodore Rooseveltcủa hải quân Mỹ buộc phải rời khu vực và tới đảo Guam do phát hiện hơn 400 thủy thủ mắc Covid-19.
Trong khi đó, tàu sân bay thứ hai của Mỹ là USS Ronald Reagan hiện neo đậu tại thành phố Yokosuka của Nhật Bản, khi một số thủy thủ trên tàu có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Cho tới nay, hải quân Trung Quốckhông đưa ra bất cứ thông báo nào liên quan tới việc các thủy thủ bị mắc Covid-19. Hồi tháng Hai, các chức Trung Quốc cũng phủ nhận thông tin thủy thủ trên tàu sân bay Sơn Đông bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời khẳng định tàu sân bay này vẫn sẽ tiến hành chương trình huấn luyện theo kế hoạch.
Chuyến đi biển gần nhất của tàu sân bay Liêu Ninh tới Tây Thái Bình Dương là vào tháng 6/2019. Vào thời điểm đó, Liêu Ninh được 5 tàu chiến đi theo hộ tống. Trong quá trình di chuyển, Liêu Ninh đã tới gần đảo Guam, một căn cứ quân sự chiến lược của lực lượng không quân và hải quân Mỹ trong khu vực, và di chuyển qua eo biển Đài Loan để trở về quân cảng.
Trong bối cảnh, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng, thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc liên tiếp cho tăng cường các hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan.
Gần đây nhất hôm 10/4, một oanh tạc cơ H-6 cùng các chiến đấu cơ J-11 và máy bay trinh sát KJ-500 của không quân Trung Quốc được phát hiện bay qua phía tây nam đảo Đài Loan và hướng tới Tây Thái Bình Dương. Sau đó, Mỹ cũng điều một máy bay trinh sát điện tử RC-135U tới khu vực này.
Vào chiều ngày 11/4, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh là USS Barry-DDG 52 của hải quân Mỹ cũng đã di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 10/4, đúng ngày nhóm máy bay Trung Quốc tập trận ở khu vực này.
Còn theo chia sẻ trên Twitter của trang web chuyên theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots, hôm 12/4, một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của hải quân Mỹ đã bay qua phía nam đảo Đài Loan để tới Biển Đông.