Ba chiến hạm Mỹ cùng tàu hộ vệ Australia tập trận trên Biển Đông
Ba chiến hạm Mỹ cùng một tàu hộ vệ Australia đã tổ chức tập trận chung trên Biển Đông và gần khu vực xảy ra đối đầu giữa Trung Quốc và Malaysia.
Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ đổ bộ “khủng” có thể triển khai ra Biển Đông
Thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 của Trung Quốc với phạm vi hoạt động bao phủ cả Biển Đông, đang có mặt tại tỉnh Hồ Bắc để lần đầu tiên bay thử trên biển.
Hôm nay (23/4), Malaysia kêu gọi những tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin an ninh trong khu vực cho hay, trong tuần này, các chiến hạm Mỹ và Australia đã tới Biển Đông. Các tàu của Mỹ và Australia hoạt động gần nơi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc có mặt gần một tàu khai thác của Tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia. Sự xuất hiện của tàu Hải Dương 8 giống như những gì Trung Quốc đã làm ở vùng biển Việt Nam hồi năm 2019.
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Weibo) |
Theo Giám đốc Viện Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Washington, ông Greg Poling, căng thẳng giữa Trung Quốc – Malaysia là diễn biến mới nhất trong chuỗi quấy rối từ các tàu Trung Quốc nhằm vào khu vực hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia trên Biển Đông kể từ năm 2019.
Cụ thể, hồi tuần trước, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 được một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã bắt đầu triển khai khảo sát gần tàu khoan West Capella của tập đoàn dầu khí Petronas.
Dữ liệu từ trang web theo dõi tàu thuyền Marine Traffic cho biết, cho tới hôm nay (23/4), tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động cách bờ biển đảo Borneo khoảng 337 km.
Còn theo các nguồn tin an ninh và quan chức trong khu vực, ba chiến hạm Mỹ cùng một tàu hộ vệ Australia đã tiến hành tập trận chung trên Biển Đông trong tuần này và gần khu vực tàu khoan West Capella hoạt động.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận xảy ra đối đầu với Malaysia trên Biển Đông và ngang nhiên cho rằng hoạt động của tàu Hải Dương 8 là bình thường.
Trong hôm nay, phía Malaysia tuyên bố nước này cương quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
“Trong khi luật pháp quốc tế bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, sự xuất hiện của các chiến hạm và tàu thuyền ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới sự hiểu nhầm làm ảnh hưởng tới nền hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein lần đầu tiên chính thức lên tiếng về việc đối đầu trên Biển Đông với Trung Quốc.
Ông Hishammuddin cũng cho hay, Malaysia duy trì “liên lạc mở và liên tục” với các bên liên quan bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
Hiện Petronas cũng chưa lên tiếng bình luận.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tận dụng việc khu vực tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19 để “ép buộc” các nước láng giềng.
Trong tuyên bố hôm 21/4, bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill của hải quân Mỹ đã được triển khai và hoạt động trên Biển Đông.
“Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không cùng các nguyên tắc quốc tế nhằm củng cố nền an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, bà Schwegman chia sẻ qua email với Reuters.
“Mỹ hỗ trợ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Mỹ”, bà Schwegman nói thêm.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)