Trưng bày sản phẩm dệt may thủ công đặc sắc của ASEAN tại Seoul
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nơi nổi tiếng với nghề thủ công và vải dệt. Thông qua tác phẩm của các nghệ nhân, bản chất và lối sống của người dân trong khu vực ASEAN đã được thể hiện rõ nét.
Phối hợp hành động với đại sứ quán của 10 quốc gia thành viên ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, hôm 9/11, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc đã tổ chức triển lãm hàng năm và trưng bày các sản phẩm dệt may thủ công. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 13/11 và khách tham quan được miễn phí vào cửa.
Với chủ đề "Cổ vật tương lai - Kho báu vải ASEAN", triển lãm đã lựa chọn và giới thiệu những loại vải truyền thống của từng quốc gia thành viên ASEAN để trưng bày.
Theo Korea Times, triển lãm được tổ chức ở khu Seongsu-dong với hy vọng thu hút thế hệ trẻ tới tham quan và tìm hiểu văn hóa của các nước Đông Nam Á.
Bà Kim Hae-yong, Tổng thư ký của Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, nhấn mạnh các mặt hàng được trưng bày không chỉ là quần áo và vải vóc.
“Mỗi mặt hàng trưng bày thể hiện sự đa dạng của ASEAN giống như một sản phẩm độc nhất vô nhị được những nghệ nhân bậc thầy tạo ra. Đó cũng là ngụ ý trong tiêu đề của triển lãm ‘Cổ vật tương lai’ mang ý nghĩa giới thiệu giá trị các loại vải của ASEAN được kết nối từ nghệ thuật với cuộc sống hàng ngày, quá khứ, hiện tại và tương lai," bà Kim phát biểu trong buổi lễ khai mạc triển lãm.
"Giá trị của mỗi mảnh vải nằm ở giá trị truyền thống và văn hóa, chứ không chỉ là sản phẩm của quá trình sản xuất. Văn hóa nghề thủ công dệt là nét đặc trưng trong tín ngưỡng và truyền thống ở địa phương, cũng như được lưu truyền qua nhiều thế hệ", bà Kim nói thêm.
Tại triển lãm, nhiều loại vải đặc sắc được các nghệ nhân bậc thầy của ASEAN dệt và mang ra trưng bày. Những sản phẩm này còn gắn liền với các điểm du lịch liên quan.
Điển hình, vải "Kain Tenuna" của nghệ nhân Brunei Darussalam bao gồm các họa tiết hoa thêu bằng chỉ vàng và bạc, tạo nên hoa văn hình học và đối xứng.
Hay "Pua Kumbu" của Malaysia, loại vải dệt đắt nhất được trưng bày, có hoa văn truyền thống lấy cảm hứng từ đom đóm trong rừng nhiệt đới. Các nghệ nhân dã mất tới một năm mới hoàn thành tác phẩm kỳ công này.
Nhiều sản phẩm lụa độc đáo cũng được trưng bày tại triển làm như "Ikat silk" của Campuchia có sắc vàng độc đáo từ những con tằm vàng địa phương, hay "Lao Silk" của Lào được làm từ những con tằm chỉ ăn lá dâu.
Được mệnh danh là “Nữ hoàng lụa của Việt Nam”, lụa Lãnh Mỹ A được biết nhiều với màu đen huyền đặc sắc được làm từ sợi tơ tằm và màu nhuộm từ quả mặc nưa. Lụa được nhuộm và phơi nắng nhiều lần để màu sáng bền. Loại vải này thường được NTK nổi tiếng Nguyễn Công Trí sử dụng và được nhiều nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng mua để may trang phục.
Ngoài trưng bày các mẫu vải, khách tham quan triển lãm còn có thể xem quy trình sản xuất vải qua các video. Mục đích của ban tổ chức muốn người xem nắm được thông tin tổng quan về các điểm du lịch gắn với làng nghề tại các nước ASEAN.
Triển lãm “Cổ vật tương lai - Kho báu vải ASEAN” là một trong những sự kiện thuộc khuôn khổ “Tuần lễ ASEAN 2022”.
Tuần lễ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức ở Seoul Plaza vào tháng 6/2019 nhân lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, và Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - ASEAN diễn ra tại Busan.
Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 2009 để thúc đẩy hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa giữa 10 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với Hàn Quốc.
Minh Thu