Đất sốt ảo, làm gì ngăn rửa tiền thông qua mua bán đất?
Gần đây, liên tục xuất hiện cơn sốt đất điên đảo loang rộng khắp các tỉnh, thành. Làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng này, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: “Cần ngăn chặn tình trạng rửa tiền thông qua thị trường bất động sản”
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền thông qua thị trường bất động sản.
Luật sư Hoàng Tùng trao đổi với PV Infonet về vụ việc. |
Trước đây, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 01/8/2005 của Chính phủ về Phòng chống rửa tiền được hướng dẫn bởi Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã liệt kê các dấu hiệu về việc rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, qua đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý.
Có thể liệt kê một vài dấu hiệu như: Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng, không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính, giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo, các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý, địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước…”.
Luật sư Hoàng Tùng đánh giá: ''Sau nhiều năm thực hiện, mặc dù đã hạn chế được trình trạng rửa tiền trong thị trường bất động sản, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa “quét” hết được các dấu hiệu của giao dịch đáng ngờ về việc rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản''.
Tình trạng sốt đất lan rộng khắp nơi. (Ảnh minh họa) |
Luật sư thông tin thêm, Thông tư số 12 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã được bãi bỏ, Nghị định số 74 của Chính phủ đã được thay thế bằng Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 (văn bản này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019) đã bổ sung thêm một số dấu hiệu của giao dịch đáng ngờ về rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Trước hiện tượng “sốt đất”, trong đó có tình trạng chuyển nhượng bất động sản nhằm mục đích rửa tiền, ngày 27/8/2019, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1509/BXD-QLN chỉ đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngay sau đó, nhiều Sở Xây dựng đã ban hành văn bản quy định các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Từ các căn cứ nêu trên, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: “Chúng ta có thể tham khảo một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, Sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, thành phố cần ban hành và thực hiện Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật, rà soát, cập nhật Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (nếu đã ban hành), thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng; rà soát các giao dịch, khách hàng; áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền,…; lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, liên hệ với Cục Phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với Thanh tra Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, Sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, thành phố”.
“Mặc dù vậy, cần giải quyết vấn đề từ gốc. Đó là, hiện nay tại Việt Nam, phương thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến. Do đó, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng rửa tiền thông qua thị trường bất động sản cần thiết phải bổ sung thêm các quy định ràng buộc việc thanh toán các giao dịch chuyển nhượng bất động sản đến một giá trị nào đó cần phải được thực hiện thông qua các ngân hàng. Đồng thời, cũng nên “xiết chặt” việc chuyển nhượng bất động sản phải qua sàn giao dịch bất động sản”, luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Tiến Anh