Triệu chứng trẻ bị sốt xuất huyết khác Covid-19 thế nào?
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong, sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại Bình Phước, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận.
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng khoa Sốt xuất huyết và Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1, sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở nước ta cả trẻ em lẫn người lớn, đặc biệt là vào mùa mưa. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do biến chứng nặng như sốc, xuất huyết nặng hoặc suy đa cơ quan.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi, mùa mưa tới, mọi người cũng “đừng bỏ quên” sốt xuất huyết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh diễn tiến nặng với những biến chứng nguy hiểm có thể tử vong.
Trong nhiễm Covid-19, người bệnh thường có các triệu chứng của đường hô hấp như ho, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mủi, mất khứu giác, mất vị giác, tức ngực hoặc tiêu chảy, khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy đa cơ quan.
Còn triệu chứng của sốt xuất huyết là người bệnh thường có da và kết mạc sung huyết, các biểu hiện xuất huyết da và niêm mạc như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, đau bụng, nôn ói, khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.
Ảnh minh hoạ. |
TS Tuấn cho biết sốt xuất huyết chia làm 3 giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn 1 (3-5 ngày đầu của bệnh): Trẻ thường sốt rất cao, khó hạ dù được dùng thuốc hạ sốt, mệt mỏi, đau nhức mình mảy, buồn nôn, chán ăn, da sung huyết.
Giai đoạn nguy hiểm (từ ngày 3 - ngày 6 của bệnh): Giai đoạn này thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu hết sốt, nhưng không cảm giác khỏe hơn, tươi tỉnh hơn mà xuất hiện các dấu hiệu nặng như: đau bụng, nôn ói nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, tay chân mát lạnh, tiểu ít, xuất huyết bất thường nhất là ở niêm mạc như chảy máu mũi, nôn ra máu, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo, đi cầu phân đen…
Giai đoạn phục hồi, thường từ ngày 7 của bệnh: trẻ hết sốt, tổng trạng tươi tỉnh hơn, thèm ăn trở lại, tiểu nhiều, không đau bụng và nôn ói; ngoài da có thể có phát ban hồi phục.
Để chẩn đoán phân biệt chắc chắn sớm giữa nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết cũng phải dựa vào xét nghiệm. Trong nhiễm Covid-19, xét nghiệm tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Còn trong sốt xuất huyết, xét nghiệm máu thấy bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, kháng nguyên virus Dengue (NS1) dương tính.
Trong tình hình dịch Covid-19, TS Tuấn lưu ý người dân chú ý đến bệnh sốt xuất huyết hoặc sốt do các nguyên nhân nhiễm trùng khác, để theo dõi phát hiện sớm những dấu hiệu nặng. Nhiều trường hợp gia đình trẻ sống trong khu vực cách ly, phong tỏa, phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội nên việc đưa con em đi khám có thể không dễ dàng.
Vì vậy, chăm sóc theo dõi tại nhà khi trẻ bị sốt xuất huyết cần lưu ý những vấn đề sau:
Trong giai đoạn 1 – 2 ngày đầu của sốt, cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10 – 15 mg ứng với mỗi kilogram cân nặng (ví dụ: trẻ 10 kg dùng 100 – 150 mg paracetamol) khi nhiệt độ trên hoặc bằng 39 độ C. Có thể kết hợp lau mát khi trẻ sốt cao. Liên lạc các số điện thoại tư vấn sức khỏe để nhờ hỗ trợ khi không đi khám được.
Đối với trẻ nhỏ, từ ngày 3 – 5 của bệnh trở đi, nếu diễn tiến bệnh của trẻ có cải thiện, bé vẫn chơi, chịu ăn uống khá, không đau bụng, không nôn ói, tiểu nhiều, có thể tiếp tục theo dõi thêm tại nhà. Tiếp tục cho trẻ uống nhiều nước, ăn những thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục sốt cao vào ngày 3 – 5 của bệnh, không “khỏe” hơn những ngày trước, hoặc xuất hiện thêm triệu chứng khác, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, có thể trẻ mắc SXH hoặc bệnh lý khác.
Các dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết như đau bụng, nôn ói nhiều, bứt rứt vật vã, lừ đừ, tay chân lạnh, xuất huyết bất thường…
Bệnh SXH chủ yếu lây truyền qua muỗi vằn, để không mắc SXH chúng ta chú ý giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng và dùng các biện pháp ngừa muỗi đốt.
K.Chi