Quyết định 'táo bạo' của bác sĩ cứu được cả 2 mẹ con sản phụ F0
Chị G. thấy mình thật may mắn dù con sinh non nhưng chị vẫn có thể ngắm con qua điện thoại, chờ ngày cả gia đình đoàn tụ.
Cảm thấy mình may mắn
Chị V.H.G. mang thai con đầu lòng ở tuần 29 thì phát hiện dương tính với Covid-19 khi đi khám tại BV Hùng Vương TP.HCM. Sau đó chị G. chuyển sang Trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc BV Đại học Y Dược TP.HCM theo dõi. Lúc đầu chị chỉ hơi ho, sốt nhưng sau 7 ngày tình trạng diễn tiến rất nhanh, chị G. phải mổ cấp cứu bắt con lúc chỉ 30 tuần thai.
Chị G, kể lại lúc vào viện theo dõi cũng nghĩ chắc nhẹ thôi. Nhưng lúc bác sĩ đến nói tình trạng của chị phải mổ bắt con. Hành động phản xạ tự nhiên của chị G. lúc đó là ôm bụng và nói rằng “Thôi đừng lấy nó ra”. Nhưng bác sĩ giải thích rằng các quyết định của họ là tốt nhất cho hai mẹ con. Lúc đó, chị G. mới hiểu ra vấn đề là tình trạng của chị rất nghiệm trọng. Chị G. vừa sợ nhưng cũng hi vọng con của mình bình an.
Lúc mổ lấy thai cũng là lúc chị G. rơi vào hôn mê do sử dụng thuốc an thần, giãn cơ. Khi tỉnh lại thì các điều dưỡng nói rằng “G. ơi chị sinh em bé rồi”. Cảm giác lúc đó của chị G. vô cùng mừng rỡ vì biết con đã an toàn.
Khi rút máy thở chị G. được nói chuyện qua zalo với chồng. Chị G. chỉ khóc, không nói được gì, cảm giác nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ ba mẹ, dù chị hôn mê nhưng chị cũng biết mình đã trải qua những tháng ngày đáng sợ.
Gia đình chị đã từng nhận được thông báo tình trạng của chị rất nặng và phải sẵn sàng chuẩn bị tin xấu nhất. Nói chuyện với cả nhà chị G mới thấy bản thân chị đã từ cõi chết trở về.
Qua điện thoại, chị cũng được nhìn thấy con mình đang được chăm sóc tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược.
Chị G. kể lại thời gian thập tử nhất sinh của mình. |
“Khoảnh khắc chứng kiến con ra đời, nghe tiếng khóc của con đó là trải nghiệm tuyệt vời của người mẹ. Tuy nhiên, tôi đã không được chứng kiến khoảnh khắc đó. Tôi nhận thấy mình thiệt thòi. Gia đình chị chỉ nhìn nhau qua điện thoại. Tôi cảm giác rất tủi thân, con chưa đủ tháng đủ ngày nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì vẫn còn ngồi ở đây để ngắm con qua điện thoại”.
Có lúc tưởng chừng không cứu được cả mẹ và con
Bác sĩ nội trú La Văn Minh Tiến – Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 của BV Đại học TP.HCM cho biết, lúc đầu bệnh nhân vào chưa có triệu chứng nhưng tải lượng virus rất cao. Bệnh nhân bắt đầu trở nặng sốt cao, bão miễn dịch và phải thở oxy liều cao.
Một quyết định của các y bác sĩ là làm sao cứu được cả mẹ và con. Đây là một quyết định rất khó khăn. May mắn, ban đầu chị G. có thông khí tốt đủ trao đổi cho con qua nhau nhưng cũng chỉ kéo dài được vài ngày rồi bắt buộc phải mổ lấy thai.
Theo dõi bệnh nhân ngay từ đầu, có lúc anh Tiến cũng cảm thấy thất vọng vì đứng trước ngưỡng có thể mất cả hai mẹ con. Nhưng may mắn sau đó bệnh nhân cải thiện dần dần.
Các bác sĩ cấp cứu cho chị G. |
Chứng kiến sản phụ từ khi vào bệnh viện tới khi trở nặng rồi tỉnh lại, bác sĩ Tiến cho biết điều hạnh phúc nhất của anh và các đồng nghiệp đó là khi bệnh nhân G. nhìn ảnh con qua điện thoại, chị khóc vì hạnh phúc và các y bác sĩ cũng khóc vì mừng quá, bản thân bác sĩ Tiến cũng thấy mình hạnh phúc đã làm được điều gì đó cho mẹ con chị G.
Theo BS Hoàng Đức Trung – Trung tâm Hồi sức Covid-19, BV Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân G. khi nhập viện theo dõi tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BV Đại học Y dược trong vòng 1 tuần từ triệu chứng nhẹ, bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Đến ngày thứ 7 bệnh nhân đã phải thở oxy, bác sĩ hỗ trợ tối đa nhưng bệnh nhân vẫn thiếu oxy máu.
Diễn tiến nhanh chóng khiến bác sĩ quyết định can thiệp gì cũng khó khăn. Khi đó, bệnh nhân đang mang thai 29 tuần, đến tuần 30 trở nặng. Bác sĩ cũng tính tới phương án chấm dứt thai kỳ. Nhưng bé sẽ sinh non còn kéo dài thai kỳ thì sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Khi thai nhi được 30 tuần 2 ngày, bệnh nhân G. không thể kéo dài được nữa, chấp nhận đặt nội khí quản cho mẹ và chuyển thai phụ về trung tâm BV Đại học Y Dược để mổ lấy thai.
Sau khi chấm dứt thai kỳ, bé sơ sinh cũng phải đặt nội khí quản, thở máy. Còn mẹ bé cũng không cai được máy thở, thậm chí đã tính tới phương án mẹ của bé phải thở ECMO.
Cuối cùng, bệnh nhân cũng có tình trạng tốt hơn nên bác sĩ chỉ cho thở nội khí quản và điều trị nội khoa khác. Bệnh nhân thở máy kéo dài 3,4 ngày và trong 1 tuần đầu bệnh nhân phải sử dụng thuốc an thần, giãn cơ. Khi tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt hơn, bệnh nhân được bác sĩ cho ngưng sử dụng thuốc an thần, giãn cơ. Lúc tỉnh lại, bệnh nhân dù trong giai đoạn nặng nhưng bệnh nhân vẫn nhận biết mình đang nằm ở đâu.
BS Trung cho rằng đây là thành công lớn, ít nhất cơ quan hệ thần kinh của bệnh nhân vẫn được bảo tồn trong khi điều trị Covid-19.
BS Trung cho biết thời điểm mẹ xuất viện, bé trong tình trạng tốt chuẩn bị xuất viện tại khoa Sơ sinh. Hiện bé đã được 1,7 kg và dự kiến xuất viện trong thời gian tới.
K.Chi