Trẻ con kéo bè bắt nạt bạn trên mạng, phải làm sao ngăn ngừa?
Từng bị bạn bắt nạt ở lớp, dần dần bé Hoa (học sinh lớp 7) trở thành đầu trò “trị” lại các em, bạn ở chung cư qua nhóm Facebook của lũ trẻ.
Chị Nam (mẹ của Hoa) cảm thấy đau đầu khi không thể tin rằng con gái chị từng là đứa trẻ bị bắt nạt hồi mới đầu năm lớp 6. Khi đó, con mới lên cấp 2 nhưng chỉ một thời gian ngắn con đã phải chuyển hình thức học online. Lúc này, chị Nam buộc phải cho con sử dụng điện thoại thông minh và máy tính có kết nối Internet để học bài.
“Con bắt đầu tham gia MXH, lập Facebook, tài khoản zalo… tham gia vào các nhóm CLB của trường. Khốn khổ sau một thời gian, tự nhiên thấy con buồn ra mặt. Hỏi con những hoạt động của trường lớp, con đều không nói”, chị Nam kể lại.
Nhận thấy con có dấu hiệu bất thường, chị Nam đã “bí mật” vào FB của con thì ngã ngửa khi phát hiện con bị các bạn “tẩy chay”, không chơi cùng chỉ vì tội “nhìn cái mặt đã thấy ghét”.
Chị đã phải trao đổi với giáo viên chủ nhiệm cứ nghĩ mọi việc đã được giải quyết xong xuôi nhưng chị lại rơi vào tình cảnh oái oăm khác. Ấy là khi một phụ huynh ở toà bên cạnh tìm đến tận nhà nói chuyện vì con chị lại là người đi bắt nạt con nhà họ.
Ảnh minh hoạ |
“Nhóm choai choai ở chung cư cũng có nhóm chat Facebook. Vậy là cô con gái tưởng nhút nhát của chị ở trường lại trở thành chị đại trong khu chung cư. Nó lại rủ các bạn khác…nói xấu, tẩy chay một bạn gái khác. Mà nguyên nhân cũng rất trên giời… gặp nhau mặt lạnh như kem”, chị Nam than thở.
Các chuyên gia nhận định, việc con trẻ đi gây hấn, làm tổn thương bạn học sinh khác phụ huynh không nên xem nhẹ và bỏ qua. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với cả trẻ lẫn cha mẹ.
Vì thế, các chuyên gia Tổng đài 111 cho rằng, sau khi được thông báo hoặc tự phát hiện ra hành vi bắt nạt của trẻ, phụ huynh cần phải nhanh chóng đối thoại, trò chuyện, lắng nghe, tìm hiểu lí do và có những cách giải quyết, giáo dục phù hợp.
Theo đó, phụ huynh cần nhớ rằng không được để cảm xúc cá nhân khiến bản thân hành động mất kiểm soát như trừng phạt thân thể hoặc tinh thần đối với con trẻ. Hãy tập trung vào việc hiểu hành động, động cơ và nhu cầu bây giờ của trẻ chứ không phải của cha mẹ. Nhất là khi nguyên nhân sâu xa là hành vi bạo lực học đường của trẻ diễn ra có thể là do bị bạo lực bởi chính thành viên trong gia đình.
Chẳng may rơi vào tình huống này, phụ huynh của trẻ có thể có nhiều cảm xúc lẫn lộn: giận dữ, xấu hổ, cảm thấy tệ hại, tội lỗi hoặc cảm xúc tiêu cực nào khác mà phụ huynh cần thời gian để bình tĩnh lại. Có thể khi biết trẻ là kẻ bắt nạt, cũng sẽ gợi lại kí ức trước đây phụ huynh từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc cũng từng là kẻ bắt nạt người khác.
Cần xác định được rõ ràng kết quả cuối cùng mà phụ huynh muốn đạt được. Nhìn chung cha mẹ sẽ muốn hành vi BLHD của trẻ phải dừng lại, trẻ nhận thức được những rắc rối và tổn thương mình đã gây ra, biết hối lỗi, thật sự muốn thay đổi theo hướng tích cực hơn và cố gắng tìm cách nhận lỗi, bù đắp cho nạn nhân. Từ những gợi ý này, cha mẹ có thể thay đổi sao cho phù hợp với từng tình huống khác nhau.
Đối với bạo lực mạng, các chuyên gia hướng dẫn cha mẹ có thể xem xét việc giúp trẻ gửi lời xin lỗi trực tiếp đến nạn nhân qua tin nhắn riêng tư, hoặc công khai (tuỳ theo nguyện vọng của nạn nhân). Khi càng xác định rõ được các kết quả cuối cùng, càng dễ dàng cho cha mẹ lên kế hoạch thực hiện các bước và có thể kiểm tra được quá trình.
Hãy cân nhắc thật kỹ cách giải quyết tình huống. Vì đây rõ ràng là trường hợp rất nhạy cảm cũng như có thể ảnh hưởng đến không chỉ một người, nên cần cha mẹ xem xét đến nhiều yếu tố và không có đường tắt nào để giải quyết vấn đề này.
Cha mẹ cần xác định lại những kết quả mình mong muốn, độ tuổi của con trẻ cũng như nạn nhân, sự trưởng thành về suy nghĩ của con, việc bắt nạt trên mạng diễn ra như thế nào, trong bao lâu, có bao nhiêu người bị ảnh hưởng và liên quan, mức độ bắt nạt ra sao, con trẻ là người khởi xướng hay là ăn theo bạn bè, v.v.
Cha mẹ cần suy nghĩ ai nên tham gia hỗ trợ trong quá trình này? Ai thì không? Phụ huynh cần xác định rõ và kịp thời về những nhân vật có vai trò thiết yếu để sự có mặt của họ giúp cho cha mẹ đạt được kết quả mong muốn.
Theo đó, có thể chỉ cần một phụ huynh và trẻ (người bắt nạt), hoặc cả cha, mẹ và trẻ, hoặc thêm một số thành viên khác mà cha mẹ nghĩ là phù hợp: thầy cô giáo bộ môn, thầy cô giáo chủ nhiệm, lãnh đạo trường, cơ quan chức năng, nhà tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý, v.v. Những người cùng tham gia giải quyết cần có sự kết hợp chặt chẽ, xuyên suốt để có thể gửi cho trẻ thông điệp phù hợp nhất (khi kỷ luật trẻ cũng như định hướng thay đổi hành vi).
H. Anh