Trao đổi, chia sẻ thông tin về tội phạm để hạn chế nạn mua bán người
Trong 5 năm (2016-2020), các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức gần 1.000 cuộc gặp gỡ, giao ban có liên quan đến tình hình tội phạm mua bán người, giải cứu, trao trả nạn nhân...
Bộ Ngoại giao duy trì kênh liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nước, các tổ chức quốc tế nhằm cung cấp thông tin về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, vận động, đấu tranh với phía Hoa Kỳ đưa ra nhận định khách quan trong Báo cáo thường niên về tình hình mua bán người trên thế giới.
Chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nước có nhiều nạn nhân Việt Nam bị mua bán, phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại giải quyết các vụ việc liên quan đến mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về phòng chống mua bán người. |
Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương như: Diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển; tiến trình Bali, quá trình tham vấn và các vòng đàm phán liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về xây dựng nội dung Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM); Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) và các Nghị quyết về phòng, chóng mua bán người, nô lệ hiện đại nhằm tăng cường quản lý di cư theo hướng thúc đẩy di cư hợp pháp, đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai có hiệu quả Thỏa thuận giao lưu công tác chính trị giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Cục Quản lý di dân - Bộ Công an Trung Quốc, Chỉ thị số 2219/CT-BTLBP ngày 19/9/2019 về tổ chức phong trào kết nghĩa cụm cư dân hai bên biên giới và hội đàm, giao ban đối ngoại, trao đổi thư… nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về tội phạm mua bán người với lực lượng chức năng các nước chung đường biên giới; phối hợp với Cơ quan Bảo vệ biên giới Vương quốc Anh đánh giá tình hình mua bán người, thống nhất giải pháp nhằm thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam – Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người.
Hàng năm, các đơn vị thành viên Ban Chủ nhiệm Đề án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” đã tổ chức tiếp và làm việc với các tổ chức, đoàn khách quốc tế trao đổi thông tin về kết quả, nỗ lực; chủ trương, chính sách, biện pháp của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người; thăm các mô hình nhà tạm trú, tạm lánh dành cho nạn nhân bị mua bán và các hoạt động hợp tác trong phòng, chống mua bán người. Đồng thời, duy trì cơ chế giao ban, trao đổi thông tin với các cơ quan hữu quan của các nước, nhất là với Campuchia, Lào và Trung Quốc; thành lập đoàn ra, đón đoàn vào nhằm trao đổi, tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Trong 5 năm (2016-2020), các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức gần 1.000 cuộc gặp gỡ, giao ban định kỳ, đột xuất; gửi trên 3.000 lượt thư, công văn, công hàm; thực hiện gần 2.500 cuộc điện thoại qua đường dây nóng trao đổi thông tin, trong đó có liên quan đến tình hình tội phạm mua bán người, giải cứu, trao trả nạn nhân và kiểm soát xuất, nhập cảnh qua biên giới.
PV