Trái chủ nghìn tỷ trái phiếu vẫn nắm quyền lực
Ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08).
Để có góc nhìn đa chiều về những tác động của Nghị định 08 tới thị trường trái phiếu, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Kinh tế Trần Nguyên Đán (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM).
Doanh nghiệp phát hành có thêm 2 năm để cầm cự
Theo ông, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được hưởng lợi gì từ Nghị quyết 08?
TS. Trần Nguyên Đán: Trong lĩnh vực trái phiếu có quy định về tình trạng “vỡ nợ trái phiếu”.
Hiện không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu rơi vào tình trạng cạn tiền, mất khả năng thanh toán cả gốc và lãi cho trái chủ. Đáng nói hơn, 2023 là năm đến hạn thanh toán trái phiếu của hàng loạt doanh nghiệp.
Nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành trái phiếu gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu thêm tối đa 2 năm, tức doanh nghiệp sẽ được “cầm cự” thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thanh toán trái tức đúng hạn thì vẫn bị liệt vào diện “vỡ nợ trái phiếu”.
Các quy định mới của Nghị định 08 sẽ mang lại điểm tích cực cho các doanh nghiệp phát hành nhưng không đáng kể. Với nghị định này, tôi cho rằng, Chính phủ đang tạo ra cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thêm tiếng nói khi đàm phán với các trái chủ.
- Quyền lợi của trái chủ có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Đọc sơ qua về Nghị định 08, nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ được giải cứu. Nhưng vấn đề ở đây là các trái chủ có chấp nhận kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu hay không?
Hầu hết trái chủ của những lô trái phiếu lớn đều là những tổ chức tín dụng. Đơn cử như trái chủ lớn của các lô trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng đã đến hạn của một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) sản tại TP.HCM là các ngân hàng. Nếu doanh nghiệp này “vỡ nợ trái phiếu” thì các ngân hàng chịu thiệt.
Nghị định 08 nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi trái phiếu đến hạn thì có thể đàm phán thanh toán bằng tài sản khác. Quy định này vẫn đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.
Trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, theo tôi, các trái chủ nắm giữ lượng lớn trái phiếu cũng sẽ chấp nhận đàm phán. Quyền quyết định vẫn nằm trong tay các trái chủ lớn này.
Tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu
- Nghị quyết 08 sẽ tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu?
Trước đây, quy định cá nhân mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Họ phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và rủi ro phát sinh trong quá trình đầu tư và giao dịch trái phiếu.
Nhưng khi đi vào thực tế, các tổ chức phát hành chào bán trái phiếu vô tội vạ. Với lĩnh vực BĐS, hầu hết các chủ đầu tư phát hành trái phiếu với mục đích đảo nợ, rất hiếm doanh nghiệp dùng số tiền này để triển khai dự án mới. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng thì lại bán trái phiếu cho các doanh nghiệp đang nợ họ.
Đứng trước sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu, Chính phủ đã ban hành các quy định để siết lại, không cho chuyển nhượng trái phiếu đối với các cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến thanh khoản thị trường trái phiếu bị ách tắc.
Theo tôi, việc tạm ngưng áp dụng quy định cá nhân mua trái phiếu phải là nhà đầu chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị định 08 sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.
- Ông dự báo như thế nào về lãi suất cho vay?
Giai đoạn 2020 – 2021 là thời điểm bùng nổ dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, các quốc gia đối mặt với vấn đề lạm phát. Khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền được bơm ra thị trường khiến cho vật giá leo thang, lạm phát tăng.
Nhưng hiện nay, lạm phát không đáng lo ngại bằng nguy cơ suy thoái kinh tế. Chính phủ không nên quá gắt gao trong việc chống lạm phát. Trong lạm phát, điều đáng sợ nhất là “lạm phát tâm lý”, bởi khi người dân có tâm lý sợ lạm phát thì lập tức hàng hoá sẽ tăng giá ngay.
Chính phủ hoàn toàn có thể mạnh tay trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là phải quyết liệt giảm lãi suất huy động. Từ đó, lãi suất cho vay sẽ giảm theo nhưng sẽ có độ trễ.
Nếu giảm lãi suất huy động ngay từ thời điểm này thì đến quý III/2023, nền kinh tế sẽ có được lượng tiền dồi dào với lãi suất phải chăng.
Mặt bằng lãi suất huy động đang có chiều hướng giảm và tôi mong đợi đến cuối năm 2023, lãi suất cho vay sẽ hạ xuống mức loanh quanh 9 – 10%/năm.
Anh Phương