Trách nhiệm của Hội phụ nữ trong công tác phòng, chống mua bán người
Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam có trách nhiệm đặc biệt quan trọng, được quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống mua bán người.
Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp và xảy ra trên phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 – 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng…
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người cần sự tham gia của toàn xã hội; trong đó, Hội LHPN Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền kiến thức, phổ biến pháp luật, ngăn ngừa tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lạng Sơn) |
Hội LHPN là tổ chức chính trị - xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ, hoạt động vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ...
Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm được quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống mua bán người, gồm:
Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người;
Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở;
Thực hiện trách nhiệm khác như tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người; tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng hay giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Trong những năm qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức góp phần phòng ngừa từ gốc của nạn mua bán người, kêu gọi xã hội cùng chung tay hành động xây dựng môi trường sống an toàn cho mỗi người dân, hội viên phụ nữ.
Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người được tổ chức tại cộng đồng, ở vùng miền núi, vùng cao, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; xây dựng, vận hành các Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người...
PV