Tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, cách ứng phó nếu chẳng may bị bắt cóc
Tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, năm 2022, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn.
Nổi lên trong những tháng đầu năm là tình trạng các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do nước ngoài điều hành.
Theo đó, nhiều vụ án mua bán người đã được triệt phá. Điển hình, cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an xác lập, đấu tranh chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 6 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân.
Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá 2 vụ mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 7 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân, trong đó có 1 cháu bé sơ sinh 3 ngày tuổi.
Công an Đồng Nai bắt 4 đối tượng lừa bán 4 nạn nhân sang Campuchia. Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã xác lập, đấu tranh 4 chuyên án về tội phạm mua bán người; khởi tố 3 vụ/7 đối tượng, giải cứu 8 nạn nhân…
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Trước thực tế đó, chúng ta cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người trong đó đẩy mạnh sự phối hợp của các ban ngành, địa phương đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống mua bán người cho người dân.
Cách ứng phó nếu chẳng may bị bắt cóc
Bà Hoàng Bích Ngọc, điều phối viên Dự án Em Vui - đơn vị thực hiện dự án truyền thông trên nền tảng số phòng chống tảo hôn và mua bán người cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số hướng dẫn một số kỹ năng ứng phó khi bị bắt cóc.
Cụ thể: Nếu thấy hoặc đoán có người ở gần đó, hãy la hét, kêu khóc thật to nhằm thu hút sự chú ý. Nếu bị bắt cóc trên đường, hãy ôm chặt gốc cây hoặc những vật cố định khác ở đường và la hét kêu cứu.
Cào cấu, cắn, vùng vẫy thật mạnh để thoát thân, và bỏ chạy về hướng có nhiều nhà dân hơn. Ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ hoặc thầy cô để gọi trợ giúp. Ghi nhớ địa chỉ, cách đi về nhà của mình.
Tìm sự trợ giúp từ thầy cô giáo, cán bộ, công an ở xã, người quen trong thôn/bản, Bộ đội biên phòng ở các chốt, chòi dọc biên giới.
Nếu họ đi ô tô để bắt cóc, hãy chạy ngược lại chiều đi của ô tô hoặc chạy sang bên đường. Nếu bị nhốt trong cốp xe, hãy dùng chân hoặc tay đẩy đèn hậu của chiếc xe và thò tay ra vẫy liên tục. Tên bắt cóc sẽ không thấy, nhưng người đi đường sẽ thấy.
Nếu người bắt cóc đi xe máy, hãy la hét, gào khóc thật lớn để người đi đường chú ý. Hãy kêu cứu với người đi đường (như hét lớn “Đây không phải bố mẹ cháu”, “họ bắt cóc cháu” …)
Nếu kẻ bắt cóc nhốt ở nhà cao tầng, bà Ngọc hướng dẫn nạn nhân hãy vặn nước chảy để gây sự chú ý, hoặc kích hoạt chuông báo động cháy nổ nếu có (bằng cách bấm vào nút đỏ, nút chính giữa, hoặc kéo cần gạt của chuông báo cháy xuống)
Nếu bị nhốt cùng người khác: hãy bình tĩnh, nói chuyện kín đáo với họ để bàn cách trốn thoát. Quan sát xung quanh xem cách thoát ra an toàn và chú ý khoảng thời gian kẻ bắt cóc hay ra ngoài để tìm cơ hội chạy thoát.
Tránh xúc phạm, mắng chửi kẻ bắt cóc, vì sẽ làm họ tức giận và đánh đập bạn. Cuối cùng, trong mọi tình huống, bà Ngọc cho rằng nạn nhân cần cố gắng bảo vệ sức khỏe; ăn, uống thức ăn kẻ bắt cóc đưa để có sức trốn thoát khi có thể.
N. Huyền