Thương mại song phương Việt Nam – Campuchia tăng trưởng mạnh bất chấp dịch bệnh
Trong thời gian ở Nhật Bản tham dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp riêng vào ngày 27/9.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ca ngợi sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động thương mại song phương, bất chấp sự gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cam kết thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ thương mại giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những thành tựu đạt được trong mối quan hệ và hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực giữa hai nước.
Theo TVK, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đồng thuận tiếp tục giải quyết những công việc còn dang dở như cắm mốc biên giới.
Khmer Times đưa tin, Thủ tướng Hun Sen đã báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc về mối quan hệ hợp tác với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm tăng cường và mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương.
Trong khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cao quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ đặc biệt là tăng giá trị thương mại bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo còn trao đổi quan điểm về các vấn đề mang tính song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Liên quan tới lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Campuchia, giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng ổn định bất chấp tác động của dịch bệnh. Vào năm 2021, giá trị thương mại Việt Nam và Campuchia đạt gần 9 tỉ USD. Hai nước đã đặt mục tiêu nâng tổng giá trị thương mại lên 10 tỉ USD vào năm 2022.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Hoàng gia Campuchia, giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt 4,24 tỉ USD trong khoảng từ tháng 1 – 8 năm nay, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 8 năm nay, Campuchia đã xuất khẩu tổng giá trị hàng hóa 1,46 tỉ USD sang Việt Nam, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn này, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 của Campuchia chỉ sau Mỹ.
Về nhập khẩu, Campuchia đã nhập khẩu số hàng hóa trị giá 2,77 tỉ USD từ Việt Nam từ tháng 1-8/2022, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Campuchia cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.
Những mặt hàng chiếm số lượng lớn nhất mà Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam gồm có gạo, hạt điều, đường và cao su.
Trong khi đó, những mặt hàng chủ yếu Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam có thép, dệt may, xăng dầu, nguyên liệu thô phục vụ ngành may mặc, giày dép, phân bón, giấy, nhựa, thức ăn cho gia súc, kim loại và nhiều hàng hóa khác.
Để thúc đẩy giá trị thương mại giữa hai nước, Thủ tướng Hun Sun đề nghị các tỉnh giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia cần tạo điều kiện cho hoạt động chuyên chở hàng hóa diễn ra nhanh chóng.
Cũng theo Khmer Times, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được con số kỷ lục 7,7 tỉ USD.
Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đã tăng 32% so với năm ngoái và đạt giá trị 4,1 tỉ USD.
Trong đó, mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia là sắt và thép, chiếm 17% tổng số mặt hàng xuất khẩu. Theo sau là dệt may và nhiên liệu.
Số lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia cũng đã tăng lên con số 3,6 tỉ USD, trong đó cao su và hạt điều là những mặt hàng chính.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm ngoái, Việt Nam nhập siêu từ Campuchia 0,4 tỉ USD, nhưng trong năm nay Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo xuất siêu sang Campuchia 0,5 tỉ USD.
Campuchia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan và Singapore.
Trong năm nay, Việt Nam và Campuchia kỷ niệm “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, mà đặc biệt là lễ kỷ niệm trọng thể 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Giao lưu Hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Campuchia cũng không ngừng được thúc đẩy, tạo nền tảng quan trọng trong việc củng cố và phát triển các mối quan hệ giữa hai nước.
Minh Thu