Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các sản phẩm an toàn thông tin Make in Vietnam
Trong phát biểu tại lễ công bố và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2022 được tổ chức ngày 9/12 tại hà Nội, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) nhấn mạnh, bảo đảm an ninh thông tin là yếu tố quan trọng, xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như triển khai Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam. Và khả năng thực hiện trọng trách này phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.
Chủ tịch VNISA cũng cho biết, đồng hành cùng các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam suốt 7 năm qua, chương trình bình chọn “Chìa khóa vàng” do Hiệp hội chủ trì tổ chức đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu hàng năm. Chương trình đã trở thành cầu nối tin cậy giữa những đơn vị đang có nhu cầu về bảo đảm an toàn thông tin với các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.
Kết quả chương trình bình chọn “Chìa khóa vàng” cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ nét hơn về thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin và đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam một cách phù hợp. Các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Make in Vietnam này cũng góp phần tham gia bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ TT&TT đánh giá, qua lần thứ 7 tổ chức, chương trình “Chìa khóa vàng” đã chọn được các doanh nghiệp Việt Nam có những sản phẩm, dịch vụ xuất sắc, góp phần vào phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được trên 90% dòng sản phẩm, dịch vụ an toàn htoong tin mạng.
Với năm 2022, bên cạnh 4 hạng mục bình chọn những doanh nghiệp trong nươc đang dẫn đầu ở một số lĩnh vực an toàn thông tin, chương trình “Chìa khóa vàng” còn có 4 hạng mục bình chọn các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu, chất lượng cao và triển vọng xuất sắc của các doanh nghiệp Việt.
Các hạng mục bình chọn sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin bao gồm 3 hạng mục truyền thống là bình chọn “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc”, “Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc”, “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu”; đã có thêm hạng mục “Giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số”, với mục tiêu nâng cao vai trò an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của đất nước.
Kết quả, qua 3 tháng nghiên cứu hồ sơ, đánh giá và thẩm định chặt chẽ, Hội đồng bình chọn đã đề nghị VNISA trao 38 danh hiệu “Chia khóa vàng” năm 2022 cho 13 doanh nghiệp theo 8 hạng mục bình chọn. Trước đó, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, Hiệp hội cũng đã chọn trao 116 danh hiệu cho các doanh nghiệp Việt có sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin xuất sắc.
Một số điểm mới năm nay là lần đầu tiên số lượng dịch vụ đạt danh hiệu “Chìa khóa vàng” tăng trưởng vượt bậc và đạt ngang bằng với số sản phẩm và giải pháp. Điều này chứng tỏ thị trường cung ứng dịch vụ an toàn thông tin nội đã có bước chuyển biến tích cực.
“Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm và phần lớn các dịch vụ đạt danh hiệu năm nay đều là mới. Cụ thể, có 83% số sản phẩm và 66% số dịch vụ là mới được đưa ra đánh giá lần đầu. Điều này cho thấy khả năng phát triển mạnh mẽ hơn của nền công nghiệp an toàn thông tin nội địa trong thời gian tới”, đại diện VNISA thông tin.
“Chìa khóa vàng” 2022, cũng ghi nhận sự đa dạng ngày càng mở rộng hơn các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật cao, hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực: từ giám sát an ninh mạng đến phản ứng nhanh chống tấn công mạng; từ các giải pháp bảo vệ nhân hệ điều hành loT đến chống mã độc; từ các sản phẩm mật mã dân sự diễn các giải pháp quản lý định danh...
Đáng chú ý, có một số bài toán an toàn thông tin năm nay lần đầu tiên xuất hiện các sản phẩm và dịch vụ nội địa đạt danh hiệu “Chìa khóa vàng” như: vấn đề an toàn Wi-Fi cho gia đình (hướng tới bảo vệ trẻ em trên mạng) hay giải quyết các vấn đề ký số từ xa, một số bài toán chứng thực điện tử, quản lý định danh và xác thực sinh trắc học, bài toán giám sát mạng xã hội... “Thực tế, một số sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế sản phẩm, dịch vụ tương tự của nước ngoài”, đại diện VNISA nhận xét.
Qua chương trình, VNISA khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam rằng, với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đã khẳng định trên thị trường, nên có hướng tiếp tục phát triển tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước phát triển, vươn ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh đầu tư phát triển các dịch vụ an toàn thông tin cơ bản, chi phí hợp lý, phù hợp số đông người dùng tại Việt Nam. các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cũng cần gắn với việc triển khai các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số được thuận lợi, an toàn.
Quỳnh Hoa